night-gown

after the summer comes the fall

một bài hát muốn nghe khi viết bài này nhưng không thể

Sáng, gội đầu bằng TREsemme thay vì dầu anti-dandruff, đột nhiên tôi nhớ ra một mệnh đề : “Ngày trước, mẹ cũng từng là một cô gái.”

Mẹ đã giống như con, thích một anh trai học lớp tự nhiên khóa trên, người ta cao ráo cân đối, hồi đó không có áo somi trắng đẹp nhưng người ta mặc cái gì mẹ cũng thích, cười lại rất tươi, mẹ thích người ta mà không nói, rồi người ta có bạn gái, thế là mẹ nghe nhạc The Carpenters cho đỡ buồn, vậy mà mãi sau mẹ mới biết lúc mẹ lẩm nhẩm học thuộc “Close to you” thì Karen đã không còn cất lên tiếng hát thiên thần nữa.

Mẹ từng ngại ngùng khoác lên mình cái váy điệu đà đầu tiên, từng cảm thấy sai sai khi lần đầu trang điểm và ghét những thứ khô khan người ta bắt mẹ học.

Cũng giống như con tình nguyện đến bến xe buýt thật sớm để nhìn thấy anh chàng con thích, giống như con từ những ngày đầu tháng tám đã nghĩ xem nên làm gì để kỉ niệm sinh nhật huyền thoại trong lòng con mà lần nào nghe “Untitled, 2014” cũng muốn khóc.

Nhưng bây giờ, mẹ chỉn chu quần áo váy vóc và khuôn mặt mỗi ngày đi làm, mẹ lấy bố và chẳng biết anh trai kia ở phương trời đâu đâu, mẹ không nghe The Carpenters bằng đĩa CD lậu hay nghe chùa nữa, bao ngày đi đi về về chỗ cơ quan khiến mẹ thấy những ngày đi học còn sướng chán. Mẹ không quên mình từng là một thiếu nữ, nhưng có lẽ mẹ đã quên thời thiếu nữ ấy khó khăn thế nào, đẹp vì gì và tại sao nó lại quan trọng với mẹ đến mức ấy vào thời điểm đó.

Cũng giống như con chẳng còn nhớ anh Thiên nhà mẹ Hảo mà hồi năm tuổi con đòi cưới mặt mũi như thế nào, nhà ở đâu, có còn là anh Thiên cao cao lạnh lùng tiêu sái mà con đã biết hay không, giống như con năm 14 tuổi nhìn lại Đập Thủy điện Hòa Bình mà khi con 4 tuổi thấy đó là một trong những điều vĩ đại nhất trần đời, khi con lớp 4 vênh mặt lên tự hào với lũ cùng lớp trong giờ địa lí vì cái đập chúng nó chỉ có thể trầm trồ nhìn trên màn chiếu lại chính là cái đập mà hồi nhỏ con cứ cuối tuần lại đi qua khi sang nhà bà ngoại hóa ra chẳng có gì mà to. Vốn dĩ con trước những điều trăn trở của em gái kém 5 tuổi cũng thấy thật ngu ngốc.

Con không thể trách mẹ đã quên mất dáng vẻ năm 16 tuổi của mình. Khó lắm, làm sao mà nhớ hết được, cảm thông hết được.

Nhưng con thì không muốn chính mình trở thành như thế, con muốn con không cho rằng hành trình tập bay bằng cách nhảy từ ghế đá xuống và cố gắng vỗ cánh của con gái con năm 4 tuổi là một điều nực cười và ấu trĩ như cách con cùng em gái hôm nay đã cười vào câu chuyện ấy khi con nói con từng cố gắng tập bay mà bất thành. Không, con cũng không muốn con gái con khi thấy anh trai kia cười đẹp mê hồn muốn kể với người mẹ đã dạy nó biết thế nào là kinh nguyệt, thế nào là mụn và làm sao để ít mụn lại không thể mở miệng vì sợ bị phê phán.

Vậy nên tôi mới nghĩ, có nên cứ phải bó hẹp cái website này trong những bài viết được lên sẵn kế hoạch, chỉn chu từng từ ngữ hay không ? Vốn dĩ đây là nơi để tôi xem lại mình từng như thế nào vào những buổi sáng cắm mông ở Circle K hay buổi chiều nào lấm lét che sách lên mặt để nhìn anh nhân viên pha chế ở quán cà phê vì anh trông đẹp nghệ sĩ quá.

Và điều gì mới là thứ tôi tự hào nhất, có phải những bài xã luận viết trong buổi đêm tra cứu hàng ngàn trang sách không, hay mấy dòng tâm sự viết lúc chán học ? Tôi 16, và những gì tôi có nhiều nhất không phải chuyện nghiên cứu ai cũng làm được, mà là những giờ phút thiếu nghị lực, thiếu liêm sỉ vì than ôi, giọng hát trầm ấm này đốn tim quá đi hay chết rồi, mình lại khủng hoảng vì không biết mình khủng hoảng vì gì rồi.