chuyện ngày be bé và hai người phụ nữ
Bình thường vẫn hay nói Chí Phèo bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, ổn mà, có sao đâu, phim ảnh với tiểu thuyết cô nhi đầy ra đấy, quen rồi. Nhưng có một lần, cô Đông nhấn mạnh : “Mẹ Chí Phèo bỏ hắn trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp ở một cái lò gạch cũ.” và thế là mình không muốn học nữa, không muốn nghe bất cứ điều gì nữa. Mình không biết phải phản ứng như thế nào trước việc một đứa trẻ bị mẹ nó chối từ.
Mình nhớ mãi buổi chiều hôm ấy như thế này, mẹ mình với bác Hoà mang bộ bàn học xuống nhà bà nội cho mình, để ở ngay phòng khách. Trong ngăn bàn có sách vở lớp một của mình, bọc vở và cả nhãn vở nữa, không lâu trước đó mình đi mua cùng mẹ. Thế nhưng rồi mẹ còn mua cho mình một bộ màu, một bộ màu nước trong tuýp hồi đó với mình rất lạ lẫm. Thời gian làm gì có nhiều, mẹ bảo là mình có thể dùng nó như thế này, một cách dùng mà mãi sau mình mới biết nó vô lí đùng đùng ra ý. Nhưng hồi đó mình còn dạy cả em họ mình tô như thế, vì mẹ nói gì chẳng đúng. Mẹ vẽ vài nét rồi đi, mẹ mình chỉ biết vẽ đúng hai hình, là con vịt với hình trái tim, bây giờ mình giải thích thế này : mẹ chỉ biết vẽ mình và tình yêu thôi, chẳng phải bảo con gái là lũ vịt giời còn gì. Cái lúc mẹ đi, rất vội, tiếng giày cao gót đập cộp cộp xuống sàn, mẹ đi ra cửa, quay lại vẫy tay chào mình, cười và vẫy tay, rồi mẹ biết mất sau thân cây hoa giấy. Sau này mình tìm lại bộ màu ấy thì chẳng bao giờ thấy nữa, không nơi nào bán cả, nó đã thành bộ màu mẹ mình tặng trước khi để mình ở Hà Nội một mình với ông bà nội, bố và chú, một bộ màu duy nhất.
Bà nội mình rất đáng sợ, bà nội thường không nói gì cả, bà nội bắt mình làm rất nhiều thứ, bà nội không cho mình chạy từ trên tầng xuống vì con gái không được làm thế, bà nội hay bảo mình trật tự. Hồi đó mình còn đi học lớp một nữa, chữ mình thì rất xấu, thực ra chữ mình không bao giờ được các cô khen đẹp cả, nhưng bao giờ mình cũng thấy chữ mình đẹp, vì nó luôn luôn nhất quán với tính cách của mình. Nhưng học lớp một mà chữ xấu nghĩa là học dốt rồi còn gì, hồi đấy mình chỉ biết làm tính cộng rất nhanh thôi. Mình nhớ mình ngồi cạnh bạn Quang Huy mà sau này bỗng dưng gặp lại ở một lớp học thêm. Cái lúc gặp lại năm lớp 7 ấy chắc Huy đã quên, còn mình nhớ rõ, mình rất sợ Huy, vì mình từng cắn nó tại nó không đứng tránh ra cho mình vào chỗ trong khi mình đang rất gấp, và mình sợ Huy mách cô, đứa trẻ nào chẳng sợ cô phạt. Mỗi tuần đi học, mình đều đếm từng ngày từng ngày để đến thứ sáu, không phải đến trường nữa, Huy sẽ không có cơ hội mách cô. Đến năm phút trước nó vẫn là bí mật giữa mình và Huy, hồi đấy Huy muốn gì đều có thể lấy “mách cô nhé” ra làm điều kiện. Mình sợ Huy, sợ ăn cơm trưa bị cô lấy một đống cơm vào, mình là người ăn xong cuối cùng, phải tự mang bát xuống nhà bếp khi các bạn đã đi ngủ hết, sợ đến trường. Mình cũng không thích đọc báo An ninh thủ đô, An ninh thế giới, mình nhớ con cáo chê chùm nho xanh, mình nhớ cô bé quàng khăn đỏ, nên mình nhớ mẹ. Nhưng mình không được khóc để nói mình nhớ mẹ. Bà nội cũng không cho mình đi chơi với các bạn hàng xóm. Thế là mình biết sống một mình, mình cũng không cần mẹ suốt ngày nữa.
Và mình cũng rất sợ bà nội. Sau này đi học mình là con cưng của mọi thầy cô vì dù nghiêm khắc đến đâu cũng không ai bằng được bà nội mình. Bà bắt mình chín giờ đi ngủ, bắt mình nhặt rau phải trong một tiếng, bắt mình đúng ba giờ chiều phải múc nước đổ vào ấm đun, bắt mình không được nói. Ở với bà, mình biết hết chuyện hàng xóm thì thụt với nhau dù nhà mình luôn đóng chặt cửa, vì chẳng có tiếng động nào vang lên ngoài tiếng quạt máy mùa hè cả. Bà nội mình cũng rất thiên vị, cái gì đẹp em mình muốn cũng cho nó, nó vẽ vào sách đi học của mình mà nó cũng không bị mắng, lấy bút viết của mình ra để nghịch cũng không sao, nhưng chỉ cần nó ré lên một tiếng, mình lập tức bị lôi ra đề chịu trận. Bây giờ mình không thích em gái mình, mỗi lần nó muốn xin mình cái gì mình đều không cho, ai bảo nó ngày bé cái gì cũng có. Mình biết em gái mình rất thương yêu mình, nhưng mình không biết nó phải tốn bao nhiêu cây Oreo nữa thì mình mới có thể không nghĩ đến những miếng bim bim đưa đến mồm rồi còn phải “nhường em” khi mình định cho nó cái gì. Nói thế để bảo, hồi ấy mình rất ghét bà nội. Rất ghét. Mình giống như mẹ, nghĩ bà là một kẻ lập dị, mãi sau này mình mới biết, không phải, bà không lập dị, chính mình cũng thế. Mình ghét người khác làm ồn nên mình thường đeo tai nghe, mình cũng thích đóng cửa phòng lại, mình cũng không ăn được bột sắn dây quấy với đường. Mãi sau này mình mới biết, cuộc đời bà nội mình thực ra rất bi kịch. Nếu mình lớn nhanh hơn chút nữa, có lẽ những năm cuối đời bà có một ai đó hiểu mình, hoặc dễ hơn, nếu hồi đó mình bày tỏ thái độ tự nguyện khi về nhà bà ăn cơm vào cuối tuần. Mình thích “Dưới bóng hoàng lan” không phải vì Thanh và Nga, mà vì anh Thanh yêu bà quá. Nếu bà nội mình còn sống như thế, chắc mình cũng có “Dưới bóng hoa giấy”, cây hoa giấy do chính tay bà trồng.
Hồi đó, lúc đọc “Divergent”, mình cho rằng mẹ là Abnegation, còn bà là Erudite, nhưng không, khi mình nhận ra thực chất bà ngày trẻ có lẽ đã từng ôm những nỗi buồn giống mình, mình cũng nhận ra có lẽ mẹ cũng đã cá tính như mình. Song mình không tìm hiểu ai cả, cũng không có cơ hội, mà có lẽ không thì hơn, người ta không thiết kế ra những gia đình và vai vế để ta có thể hiểu nhau kiểu đó.
Nhưng bà nội mình vì sự truyền thống đã vĩnh viễn trở thành một người bà cổ hủ, mẹ mình vì sự bận bịu từ lâu đã trở thành một người mẹ xa cách, cả bà cả mẹ đều là những người đàn bà không được toả sáng cá tính của mình.