night-gown

có bao nhiêu chữ để nói về một vấn đề ?

Một. 17/1/2021

VBC21


Như Rasul Gamzatov mở đầu “Daghestan của tôi”, tôi cũng sẽ lưu ý với các bạn rằng: những áng văn hay bản nhạc tôi nói tới ở đây cùng những bàn luận của tôi về nó không nhất thiết là một phân tích đúng đắn hoàn toàn, tôi không nói về bản thân những tác phẩm đó, tôi nói về những tác phẩm hiện lên trong những bơ vơ của tôi, được soi chiếu bằng toàn bộ đau khổ của tôi. Đề phòng khi có ai đó cho rằng những cảm nhận và đánh giá của tôi là sai, thì đó, tôi viết về những cảm nhận lẫn lộn với bơ vơ, nó có lẽ sẽ gây ra những sự nhiễu tín hiệu, làm tôi suy diễn tác phẩm chẳng hạn. Mong quý độc giả thông cảm.


Tôi không muốn nói với các bạn rằng cảm nhận thì không có đúng và sai, thực ra hiểu và phân tích văn chương vẫn cần những đúng sai nhất định, những hệ quy chiếu cụ thể và những điều kiện xác định cho phân tích. Bởi vì như thế thì mới là văn học. Văn chương thì là nghệ thuật, nhưng văn học, sự học lấy đối tượng là nghệ thuật văn, thì cần sự chính xác nhất định như bất cứ khoa học nào khác.


Nhưng trước khi đi vào các tác phẩm, cho tôi xin dành một vài dòng cho chính mình, để mình được dùng việc viết như một liệu pháp để chữa lành và cân bằng bản thân, khi tôi vẫn luôn là một con người tồi tệ chìm đắm trong những cô đơn của chính mình. Suốt ba năm, tôi vẫn đều đặn đi tranh biện dù tôi không đam mê nó đến thế, thậm chí tôi còn thấy mệt mỏi trong bầu không khí của những tranh biện viên, bầu không khí thân thiện và hoàn toàn cởi mở. Không có vấn đề gì lớn, tôi chỉ đơn thuần là một người hướng nội cực kì hướng nội, sợ đám đông loài người nhưng thèm khát kết nối chặt chẽ về mặt tinh thần và tâm hồn với những cá nhân nhất định, thế thôi. Vì thế, quãng đường tranh biện của tôi có lẽ không đơn thuần là hoạt động về não bộ, mà còn là cuộc chiến dai dẳng giữa tôi và chính mình, không phải để thắng những khuyết điểm ví dụ như hướng nội, mà là chiến đấu để chứng minh cho nó thấy rằng tôi cũng có bản lĩnh đối diện với nỗi sợ của chính mình. Và rằng người có bản lĩnh là người có thể làm được việc mình không thích, tôi muốn giả vờ làm một con người có bản lĩnh.


Không bao giờ tôi có thể hưởng thụ được sự cởi mở đó, lúc nào tôi cũng rủ rỉ với một ai đó bên cạnh, hoặc ngồi gần nhau và không nói gì cả, nhưng ngồi gần nhau. Đến cuối cùng, tôi vẫn chẳng khác gì về mặt kết quả, và sự đày đoạ thì ngày càng lớn, tới mức tôi ngày càng thấy cô đơn tột độ. Trốn trong nhà vệ sinh khóc lóc trong giờ ăn trưa, hay lẳng lặng tìm về một chốn thân thiết ngay khi có thể vẫn luôn là những thứ tôi phải tìm về, nhưng lần này, tôi có trong lòng những khúc hát và những bài thơ.


Tôi buộc phải nhắc đến Hàn Mặc Tử đầu tiên. Vì lần đầu trong đời, tôi thực sự có thể hiểu và kết nối với thơ Hàn. Bài “Những giọt lệ”. Bài thơ này chuyên văn nào cũng phải biết, và tôi thi thoảng còn trích như một ngữ liệu mở rộng, nhưng lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được sự bất lực đến tuyệt vọng của một con người cũng thèm khát loài người như tôi, và cũng chịu cảnh cô đơn. Thì ra, câu hỏi “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?” là mong muốn kết thúc của tất cả những đeo đuổi không có hồi kết cho tình cảm vốn chẳng có hy vọng, và tất cả những gì đem lại là nỗi bất lực và đau đớn đến cùng cực. Nó cần được dừng lại, nhưng không thể dừng lại một cách chủ động, tự tìm đến nó, vì làm sao mà nỡ rời trần thế, rời xa loài người, còn yêu lắm mà. Phải là bao giờ được chết đi, bao giờ tất cả những nỗi đau đó được một thế lực nào đó chấm dứt.


Trong cảm quan về sự tan vỡ kết thúc đó, câu hỏi “Bao giờ mặt nhật tan thành máu,/ Và khối lòng tôi cứng tợ si?” là mong muốn tất cả những khát khao của mình, những thèm muốn của mình biến mất, mình sẽ không nhạy cảm và đầy khát khao như thế, để không còn phải chịu những khổ đau. Cũng đúng, tất cả chẳng là lỗi lầm của ai, chỉ tại Hàn quá thèm người, mà chẳng phải là cái thèm người có phần dễ dãi và đơn giản của anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn. Cái thèm người của Hàn có lẽ chẳng ai có thể đáp ứng nổi, vì nó sẽ phải là một kết nối gần gụi và thấu hiểu đến tột cùng, tôi đoán thế vì nhiều nhà thơ cũng muốn thế. Xuân Diệu chẳng bực hết cả mình vì cái thân xác này ngăn cản con người ta hoà tan vào với nhau đấy sao. Đó là số phận của loài người, không có hai cá nhân nào có thể thực sự kết nối vừa khít với nhau mà không có những khoảng cách hay đau khổ. Còn những người nghệ sĩ như Hàn, như Xuân (không gọi là Diệu vì tôi cũng là Diệu), thì đành chịu đau đớn nhiều hơn, cái phận nghệ sĩ là phận đòi hỏi những thứ tuyệt bích, mà đời thì nào có cái gì tuyệt bích đâu. Họ đau như một lẽ tất nhiên.


Nhưng vì sao mặt nhật lại sẽ tan thành máu ? Trong bài thơ này có hai lần máu xuất hiện, là với mặt trời, và với hoa phượng. Máu và hồn là những hình ảnh có phần kinh dị đã xuất hiện đến mức trở thành một biểu tượng quan trọng trong thơ Hàn, mà thực ra tôi cũng chẳng cố gắng để hiểu lắm. Đã bao giờ có duyên kết nối với Hàn đâu. Thế nên tôi cảm nhận chay thôi. Mặt nhật tròn vành vạnh trên kia, trong ám ảnh khôn nguôi về sự đổ vỡ và kết thúc, có lẽ chính là một sự lạ lùng. Khi tất cả đều là những đổ vỡ, đến bao giờ thì mặt trời sẽ tan ra? Hình như trong mặt trời rồi cũng sẽ có một đau khổ nào đó. Hoặc là với những đau khổ đến nỗi này trong lòng người, bao giờ thì hình ảnh mặt trời cũng sẽ chỉ là những tan vỡ trong cảm quan của họ. Tôi cũng không chắc, chỉ biết mặt trời cũng cô đơn và toả sáng như Hàn vậy. Nguồn sáng cô đơn ấy bao giờ sẽ sụp đổ? Tôi không chắc tại sao lại là máu. Do màu đỏ của mặt trời sao? Và như thế Hàn nghĩ bên trong mặt trời chính là máu. Và có lẽ máu chảy là khi bị thương, người đau thương tất sẽ nghĩ đến hình ảnh đó. Hay máu là thứ nuôi dưỡng mọi thứ ? Tôi cũng không chắc, chỉ là những giả thuyết thế thôi.


Ở đây, tôi muốn chúng ta tưởng tượng ra cảnh tan của mặt trời, cái cảnh một khối vành vạnh và tròn trịa ấy đột nhiên xuất hiện rạn nứt và trở thành những mảnh nhỏ, giống cách mấy tấm kính vỡ khi bị đạn bắn ở trong phim. Hoặc là, mặt trời tan như cách đá tan ra thành nước, cứ dần dần, dần dần. Tưởng tượng chẳng để làm cái gì cả, hay chính xác hơn là làm gì thì phải tuỳ bạn. Như tôi thì tự dưng tôi thấy đẹp, và tự dưng tôi có một cái cảm giác rất tuyệt, vì chiêm ngưỡng cái đẹp mà.


Trước khi đến với hoa phượng, chúng ta cứ tôn trọng thứ tự của Hàn trước đã. Ở khổ hai, ta có sự giải thích cho tất cả những câu hỏi và mong muốn bên trên. Đáng lẽ tôi không nên nhảy bổ vào và bình luận như thế. Mà nên nói rằng Hàn đã có một mở bài ấn tượng, làm người ta phải giật mình là thứ nhất (cái chết luôn làm người ta phải dừng lại chút đã, kể cả khi người ta nói về nó nhiều đến tan hoang), và thứ hai là choáng ngợp, vì hình ảnh mặt nhật tan, và vì cái mong muốn lòng mình cứng tựa si (người ta muốn nhân hậu hơn còn không được). Sau cái mở bài đó, thì chúng ta đến với thân bài, kể câu chuyện ẩn đằng sau. Thế nên bài học là nếu bạn muốn kể lể thì bạn phải cho người nghe lý do cái đã, để người ta thấy muốn nghe cái kể lể phiền phức của bạn. Tôi muốn nói với bạn đó tác giả bài viết này ạ. Nhưng thôi trở lại, đoạn thơ thứ hai hay ở chỗ nó làm người ta phải “À, hóa ra là thế” khi trong hai câu thơ đầu đã giải thích rõ tình cảnh người đi xa, mà mình thì mong muốn thế nào. Và tuyệt vời, đáng nể ở hai câu thơ cuối, bắt chính xác xúc cảm của sự thất tình đột ngột. “Một nửa hồn tôi mất” là cảm giác mất mát mà người ấy đã gây ra, hay cũng có thể là một nửa mà người đã lấy đi mất. Tôi thích hai chữ “dại khờ” đã ôm trọn tất cả những bơ vơ, lạc lõng, và cái cảm giác không hiểu được chuyện gì đã trải qua với mình, không hiểu mình đã làm gì, hay mình sẽ làm gì. Không hiểu rồi thân phận bơ vơ này sẽ đi về đâu. Mất đi rồi, cũng không muốn nhận thức gì nữa.


Khổ thơ cuối đặt ra một cái kết hoàn hảo, của sự mô tả cảm giác trong hai câu đầu. Tôi nghĩ đến hình ảnh người ta ngửa đầu lên nhìn trời, và cảm nhận được tất cả những lớn lao xa vợi của trời, sự lẻ loi của mình. Bạn cứ tự tưởng tượng cái cảm giác bạn nhìn lên trời sâu, tôi thấy mình càng tả sẽ càng hỏng. Về hình ảnh hoa phượng nở trong màu huyết, tôi có thể chắc chắn màu đỏ của hoa phượng là một màu đỏ khác, nhưng có lẽ tất cả rồi sẽ quy về màu máu đỏ, trong cảm quan đầy tuyệt vọng. Đến câu cuối cùng, chúng ta mới nhìn thấy một giọt châu, thứ làm ta nghĩ ngay đến là một cách gọi của giọt lệ. Nhưng mà đến đây tôi mệt tay quá, các bạn tự nghĩ tiếp nhé.
Đáng lẽ tôi còn định nhắc đến Huy Cận cho nó phong phú, vì cứ khi nào đi qua sông Hồng là tôi lại nhớ đến Huy Cận. Và nhắc đến “Lần cuối” của Ngọt, đến “Truyện ngắn” của Hà Anh Tuấn, mà tôi thấy cũng mệt mệt, vả lại tôi đã đau nốt cái thân vật lý, vậy nên các bạn thích thì inbox tôi vào buổi đêm khi tôi lại thấy cô đơn, tôi nói cho mà nghe, chứ bây giờ tôi chịu.

Hai. 20/1/2021. việc đếch gì phải sợ bố con thằng nào

nếu như, nếu như, tôi có thể không như thế này trong một ít phút thôi, tôi cũng sẽ vui.


từ bé mẹ đã bảo là nếu xấu tính thì không có ai chơi. rồi mẹ đã bảo là mẹ không muốn một đứa con lập dị. tôi không nghe vào. tôi thấy tôi cũng được. nhưng mà, đáng lẽ là tôi nên nghe.


vì không có ai chơi bao gồm cả không có tôi chơi với chính mình nữa. nhiều lúc tôi thấy vừa thương mình vì phải chịu đựng mình, vừa giận mình vì phải để mình chịu đựng.

nhưng mà, vấn đề là, tất cả những điều này đều không phải lỗi của tôi. nếu như người ta không để tôi lớn lên theo cách này, mà theo một cách khác, thì tôi đã khác đi rồi chứ. hoặc vứt cái chủ nghĩa kinh nghiệm vào sọt rác đi, nghe theo lời dạy của các cụ là trời sinh tính đi, thì đây là lỗi của trời chứ là lỗi của tôi à ?


nhưng mà, rồi thì, người chịu tất cả lại là tôi. rồi thì tôi lại thành kẻ độc ác với chính mình. đến bây giờ thì, tội lỗi tôi gây ra cho mình đã đủ nhiều để tôi không đi đổ lỗi được nữa.


rồi thì sao ? tất cả những chủ nghĩa yêu bản thân đi để bạn có giá trị, bạn yêu bạn rồi người khác mới yêu bạn cuối cùng nó trở thành một dạng thức tra tấn tinh thần vô cùng khủng khiếp. đến để yên cho tôi vừa đấm vừa xoa mình cũng không được nữa. nó chỉ cho tôi xoa mình, nên thành ra tôi toàn đấm mình.


chưa hết đâu. vấn đề nằm ở đâu các bạn biết không ? vấn đề là tôi không muốn chết. vấn đề là tôi vẫn rất yêu cuộc đời, và rất thèm khát con người. vấn đề nó nằm ở đấy quý vị có hiểu không ?


chỉ cần tôi có thể thoả hiệp với cô độc, hoặc thoả hiệp với cái chết, thì sẽ chẳng có gì cả. nhưng mà, bi kịch luôn xuất hiện như thế đấy. nó nảy lên từ xung đột giữa thực tại và khát vọng. và còn một điều kiện nữa của xuất hiện bi kịch, ấy là sự nhận thức. nếu chí phèo không nhận thức được bi kịch bị tha hoá, bi kịch bị cự tuyệt thì chí phèo có khổ không ? rõ là không. giống như người điên không biết mình điên thì không khổ ấy. nhưng mà tôi biết, nhưng mà cái cuộc đời khốn nạn này đã đẩy tôi đến ngưỡng tôi phải hiểu rằng tôi tồi tệ đến mức nào. và nếu tôi không ngừng sự tiêu cực này lại thì tôi chẳng còn ai cả.


rõ ràng là, chỉ cần biết thoả hiệp, và bớt ý thức đi, thì chúng ta sẽ không đau khổ.


nhưng cái nhân loại chết tiệt này, quý vị có hiểu được không ? chính cái thứ làm quý vị đẹp đẽ là thứ làm quý vị đau khổ.


sau một sự kiện tuyệt chủng nào đó mà tôi làm sao nhớ được rõ, những con vượn duy nhất rời bỏ cánh rừng để đi tìm nơi ở khác dần dần tiến hoá thành con người. nó không chịu cố thủ trong cánh rừng an toàn để chờ chết như các con khác, nó muốn sống. nên là thế đấy, thứ làm chúng ta thành con người là sự ương bướng. trần dần nói rồi, người là con cãi trời.


đấy nhé, biết rồi nhé, con người là con người viết hoa theo tất cả những tính chất cao quý của nó là do nó ương bướng đấy các vị ạ.


còn gì nữa nhỉ ? à há, homo sapien, người tinh khôn. chính cái khôn làm các vị đau khổ. tự hào nhờ.


thế nên số phận của loài người sinh ra là để đau khổ. vì đau khổ nên nó đẹp. vì nó đẹp nên nó đau khổ.


cái tốt và cái xấu khoác vai nhau, cùng đi về phía trước.


viết đến đây lại thấy cũng được, cũng ổn. tôi là con người mà. chỉ là, tôi là con người thèm khát con người. à quên, con người nào chẳng thèm khát con người, chúng ta là sinh vật xã hội mà.


đấy nhé, điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn bình thường. nhưng mà sao tôi lại cô đơn thế nhỉ ? biết vì sao không ? vì loài người ai cũng cô đơn. chúng ta cô đơn cùng nhau.


à nhưng mà viết đến khúc này lại bắt đầu sợ bị phê phán rồi đấy. sao tôi lại sợ bị phê phán thế nhỉ ? khốn khiếp. lúc nào tôi cũng thừa mứa khả năng hoài nghi chính mình. tôi cũng đẹp mà. tôi là con người cơ mà.


hay là để cùng tồn tại thì con người phải cùng nhau đau khổ ? có đúng không ? cái thế giới này sòng phẳng ghê gớm. công bằng thế còn gì nữa, sao cứ bảo trên đời không có công bằng.


mấy ngày hôm nay tôi thấy rất ư là tệ, vì tôi đến tháng, có vậy thôi. tôi biết hết những ngày này tôi lại có ba tuần bình thường, rồi sẽ lại đến những ngày như này. tháng nào tôi cũng phải chịu đựng mình như thế đó. nhưng mà mẹ kiếp cái nhân loại này cứ nhằm những ngày tôi yếu ớt nhất để tấn công, thì làm sao mà tôi đứng vững cho được. xin đấy. làm ơn đấy.


tôi thề bây giờ tôi không sợ hãi không kiểm duyệt nữa tôi nói thẳng đây này. tôi ghen. thế thôi. cả bài này chỉ nên có hai chữ đấy thôi. nhưng mà tôi không đủ dũng cảm để nói ra ngay từ đầu. tôi rất sợ. tôi sợ nhiều thứ. các vị có biết không, lúc nào tôi cũng không nói thẳng ra được, vì tôi sợ mình không được chấp nhận.


tôi chỉ có một mình người, chính xác là chỉ có một mình người, nhưng người không chỉ có một mình tôi. mẹ cha cái cõi đời này.


đáng lẽ tôi nên chết đi. nhưng mà tôi không muốn chết. nếu như mà chết thì ngày mai không được viết bút mực có vỏ màu đỏ bordeaux và bên trong có mực màu máu khô nữa. cái bút đấy tượng trưng cho sự khổ đau của tôi đấy, tôi muốn làm nguyễn du. tôi muốn những gì mình viết ra cũng phải như máu chảy trên đầu ngọn bút. ước mơ đấy, nên tôi chọn oxblood là màu mực signature của mình. ban đầu tôi bảo nó giống mùa thu. nhưng mà nó là máu đấy.


tôi muốn viết cái bút đó, nên tôi không chết được. thực ra ý tôi muốn nói là tôi muốn được trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chứ bút thì tôi mang theo xuống quan tài cũng có khó khăn gì đâu.


tôi muốn được hôn người tôi yêu và nghe những bài hát chàng ta viết, nên tôi không chết được.


tôi muốn làm đám tang cho con mèo của tôi khi nó lìa đời, nên tôi không chết được.


tôi muốn mua cơm cho bố mẹ tôi, nên tôi không chết được.


tôi muốn nhìn bi chọn được thứ nó thực sự thích trên cuộc đời, nên tôi không chết được.


tôi muốn chửi bới cuộc đời và con người với đằm và bị đằm trigger, nên tôi không chết được.


còn nhiều người quá, nhưng kể hết thì tôi chết mất, mà tôi không chết được. à nhưng mà, tôi còn phải đi khắp trái đất nữa, tôi quên. tôi còn phải làm hậu duệ của alexander supertramp nữa. các bạn có hiểu không ? tôi vẫn chưa đọc xong kinh thánh, tôi vẫn chưa xem đủ ghibli. ôi nhiều quá.
nếu tôi chết, tôi không được hít bụi để ung thư phổi ở hà nội nữa. cà phê hà nội ngon lắm.


nên là tôi không chết được. mà thực ra bây giờ, tôi cũng không ước là tôi chưa từng được sinh ra nữa. tôi, nguyễn diệu trang, 17 tuổi rưỡi, rất cảm ơn thế giới vì đã cho tôi được sống, và được đoạ đày như thế này.


còn hai tin nhắn một của người tôi yêu một của bạn thân tôi chưa đọc, tôi phải đi đọc tin nhắn đây. tôi rất thích các bạn nhắn tin cho tôi, nhất là vào ban đêm, vì ban đêm tôi dễ thấy cô đơn lắm. nhiều lúc tôi tưởng tôi bị thần cô đơn bắn bỏ vào cõi hỗn mang rồi ấy. nên là nếu các bạn rảnh, các bạn buồn, thì các bạn nhắn tin cho tôi cũng được. vì người yêu tôi không bao giờ tập trung nhắn tin với tôi cả, vì chàng ta quá bận, tôi thông cảm. nhưng mà đấy, tôi ngỏ lối vườn hồng rồi không vào thì các bạn sai. tôi lên đặt cái tiêu đề đã, đáng lẽ không định đăng đâu.


đáng lẽ tôi viết kiểu khóc lóc ghét bỏ rồi đăng chế độ chỉ mình tôi, nhưng mà càng viết tôi càng vui, càng viết tôi càng ổn, nên là tôi đăng.


thế đấy, tôi đã nói rồi, viết quan trọng như ăn cơm vậy. viết sẽ làm các bạn khoẻ mạnh hơn. bây giờ tôi đang rất khoẻ mạnh và hạnh phúc. vì các bạn biết không, nếu một nhà văn đi được đến nơi thẳm sâu nhất tâm hồn anh ta, dò xét những đau khổ anh ta phải chịu, rồi biết thương người hơn, thì anh ta thành công.


làm nghệ sĩ là phải đau khổ vậy đó, và phải tận dụng sự đau khổ của mình. nên là, tôi, diệu trang, imx, một người muốn trở thành nghệ sĩ, tuyên bố là, tôi mặc kệ có ai cảm thấy tôi là một cá nhân đáng mệt đi chăng nữa, rồi tôi lại bơ vơ trên cõi đời này đi chăng nữa, thì tôi cũng tự hào về chính mình. tôi thực sự, thực sự, rất tự hào vì tôi viết được như thế này.


việc đếch gì phải sợ bố con thằng nào, quý vị nhỉ, khi mà mình được là mình toàn vẹn. tôi đã được làm tôi toàn vẹn.

Ba. 23/1/2021.

Đáng lẽ tôi nên viết, nhưng mà nhúm năng lượng còn lại không đủ để làm gì. Nó chỉ rã ra dần dần, thấm vào từng tế bào như bắt tôi một mình chịu đựng tất cả. Không có gì cả, không nỗi buồn và không niềm vui, nhưng sự trống rỗng ấy rất bức bối.


Tôi nằm trên giường, thấy trong mình có lưu chuyển, thấy trong mình có bí bách.


Nếu như cứ nằm mãi thế này mà chết được thì tôi cũng sẽ chết được, nhưng mà muốn chết thì vừa phải đi qua tất cả những đẹp đẽ và những đau khổ của cuộc đời, mà tôi không còn sức nữa. Chết là một việc rất mất sức.


Tôi nghĩ là, cứ để người ta thấy tôi tiêu cực thế này thì không tốt, tôi sẽ mất hết bạn mất. Nhưng mà tôi không biết thế nào nữa.


Thôi để tôi ráng kể cho các bạn một điều thế này. Ở nhà sách Cá Chép, trên tầng cao nhất là café, bên ngoài có một khoảng giống như sân thượng. Thẳng sau lối đi vào khoảng ấy là cửa thoát hiểm có chữ EXIT màu xanh làm tôi nghĩ đến cái chết, bạn đi qua cánh cửa là bạn sẽ để lại cuộc đời phía sau. Nhưng mà, để đi đến cánh cửa đó, Cá Chép bắt bạn đi qua những cây lá xanh tươi mà họ đã hết lòng chăm bẵm, tựa như thách thức các bạn xem bạn có lưu luyến cuộc đời không mà đòi chết vậy.


Tự tử rất khó, nó là một kĩ năng sống hơi nâng cao. Nên đừng có dại mà đâm đầu vào, không làm được đâu. Khó quá bỏ qua, làm cái dễ hơn, giả như tưởng tượng mình đang chết chẳng hạn. Sự sống đang trôi đi dần dần, mình sẽ không dậy nữa, không kì vọng và thất vọng, không gì cả.


Trống rỗng nhẹ nhàng.


Không được phép nghĩ là “Giá như được chết đi một lúc” hay “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi”, chỉ cần mường tượng cái cảnh hồn bạn lìa ra khỏi xác thôi, cái xác sẽ nằm y như bây giờ, im lìm, không động đậy, vẫn cười nhẹ nhàng như thanh thản, người ta đến lật nó ra, mềm oặt. Bạn chết rồi.

Bốn. 24/1/2021.

Bốn pieces này cùng cố gắng diễn tả mình những ngày có xung đột với bản thân, cảm thấy sự tồn tại và thân thể mình chật chội, chỉ muốn thoát ra mà bay lên một cành cây cao. Sau khi viết bài nào cũng nghĩ đây là lần cuối cùng, nhưng hoá ra vẫn trở đi trở lại với nó.