chưa quá muộn để ngưng hành hạ nhau
Đây là một câu chuyện có thật mà tôi may mắn được hiểu trong khi đi thực tế ở một mô hình lớp học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài ở các trường trung học cơ sở.
Buổi chiều hôm ấy, lũ trẻ thấy chị trợ giảng bước vào cổng trường, ghé phòng hiệu phó lấy sổ đầu bài và đi lên lớp. Thầy giáo vào lớp ngay khi chuông báo hiệu giờ học bắt đầu. Tôi nói họ gần như là những cộng sự hoàn hảo của nhau. Anh thầy Tây cao to và đẹp trai lại nhiệt tình, hóm hỉnh, chị trợ giảng tuy còn nhỏ người hơn học sinh cấp hai nhưng với đôi môi tông đỏ lạnh và cách chị sải đôi chân ngắn đầy tự tin, chúng ta biết rằng chị cũng thuộc dạng người bản lĩnh đấy, chị lại duyên dáng, thân thiện nữa. Cách hai anh chị ăn mặc khiến đối phương hài lòng vì nó dù gì cũng cùng một phong cách, chỉ là chị trợ giảng ưa màu sắc còn anh thầy Tây thích trắng đen. Họ cũng trò chuyện đủ hợp để đi cùng nhau mà không khí không bị kì lạ, cùng khá thích sách, thích yoga và thiền, thích nước Nga cũng như văn học Nga. Đến quan điểm sống và triết lí dạy học cũng giống nhau nốt. Mỗi người một lí do nhưng họ đều cho rằng nên để cho học sinh và thầy giáo tự giải thích với nhau bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt.
Những tưởng thế thì họ sẽ những tiết học hoàn hảo : anh thầy Tây sẽ dạy và giảng giải trên bảng, chị trợ giảng sẽ giữ lớp trật tự, chấm điểm bài tập nếu có, và chỉ giải thích cho những em nào không hiểu. Đó là qui ước ngầm của hai anh chị. Nhưng sau khoảng ba phút bắt đầu lớp, bước vào một cô giáo hơn cả hai dễ đến chục tuổi, cô điềm nhiên ngồi xuống, chị trợ giảng và anh thầy Tây tin đây là dự giờ, cũng không có gì lắm dù họ hơi khó chịu. Tiết thứ nhất, thứ hai hai, thứ ba vẫn khá ổn, đến tiết thứ tư, cô giáo ấy khiến chị trợ giảng cáu thực sự, còn anh thầy Tây thì không thoải mái như bình thường. Trò chơi bắt đầu, luật được công bố xong, chị trợ giảng hỏi các em hiểu chưa và giải thích lại, giọng nhỏ đủ nghe. Chị ngừng lời, anh thầy Tây chuẩn bị ở trên thì có bạn nói “Ê Minh trên bảng đưa ra từ dễ dễ thôi nhé.”, chị trợ giảng nhỏ nhẹ bảo không em ơi, từ là thầy ra. Ngay sau khi tiếng của chị trợ giảng dừng, từ góc phòng vang lên một âm thanh trầm và vô cùng nghiêm túc “Bạn sẽ vẽ từ mà thầy cho, đội các con phải đoán những từ ấy trong năm phút, còn đội này sẽ chơi sau.” Câu nói không có tí vui vẻ nào trong từ nội dung đến giọng điệu đó khiến chị trợ giảng bực vì người ta cướp diễn đàn của mình một thì bực vì không khí bị ảnh hưởng mười. Cả chị lẫn thầy đều muốn mọi thứ phải vui, và phải giữ sự chủ động cho đôi bên. Nhưng chị không làm gì, đương nhiên là chị không dám làm gì, vì chị láo nháo là mất lương ngay. Chị tiếp tục cười với lũ trẻ và theo dõi xem thầy hoặc bất cứ ai cần giúp đỡ. Nhưng cách thầy dùng body language quá dễ hiểu cho mọi đối tượng khiến chị tin rằng thế là ổn với học sinh. Chị chỉ đi quanh lớp xem các em mở sách đúng trang chưa và nói “Trang số hai nhé.” với mọi bàn chị đi đến như lặp lại lời nhắc nhở. Nhưng rồi tiếng quát vang lên : “Em phải nói to dõng dạc làm bài gì ở đâu như thế nào thì học sinh mới biết được.” Chị cáu. Chị cáu thực sự. Dù vẫn không dám làm gì nhưng chị nghĩ rằng mụ giáo này thiển cận thực sự. Tại sao chị lại nói nhỏ với từng bàn ? Để mọi thứ không như là yêu cầu, mệnh lệnh. Bản thân ai cũng ghét bị ra lệnh, nhưng nó là cách nhanh và dễ nhất để truyền đạt ý muốn, nên chúng ta liên tục làm vậy, biến những cuộc đối thoại trở nên nặng nề. Chị, một người tôn thờ mọi niềm vui và cố gắng để tránh bực bội bức bối cho người xung quanh đã thực sự muốn phát điên với câu nói ấy.
Và sau những lần chị bực mụ giáo cuối lớp, chị đã rút ra và kể với tôi những điều thế này. Thứ nhất, cái câu “Thôi đừng hành hạ nhau nữa” mà tôi muốn nói với giáo viên là hợp lí. Cái cách ra lệnh, đe doạ, trừng phạt của giáo viên và thái độ bất tuân của học sinh đẩy hai đối tượng này vào trường hợp như con mèo và con chuột, ý tôi là thiên địch. Chúng ta không quan tâm đến cảm xúc của nhau, không quan tâm đến nguyên do cho những thái độ mà đối phương thể hiện, cũng không biết vì đối phương mà kìm nén, vì sao cô giáo phải ra lệnh – vì lớp ồn cô không vui, vì sao học sinh bất tuân – vì ra lệnh tạo cho chúng cảm giác bị ép buộc. Chúng ta ai cũng biết có một cách nhẹ nhàng để cùng nhau đi lên, nhưng lại chọn cách khó ưa nhất. Tất cả những điều trên là vì sao ? Vì chúng ta coi nhau là những yêu cầu cần vượt qua của mình, với cô giáo, học sinh là đối tượng lao động mà mình cần truyền cho xong bài giảng, với học sinh, cô giáo là người mà nếu nó không đối tốt, nó bị ăn đòn. Mọi thứ quá thiếu tình cảm, tình với trò, với cô, hay cả tình với sự nghiệp giảng dạy và sự nghiệp học tập của mình.
Thứ hai, chưa quá muộn để ngưng xem thường nhau. Cô giáo vì sợ học sinh không hiểu thầy Tây nói gì nên bắt trợ giảng dịch gần như tất cả. Nhưng không phải ai cũng như cô. Đầu tiên, tư duy tiếng Anh của thầy đủ rộng để có nhiều hơn một cách diễn đạt, cũng sẽ luôn cố gắng tìm cách để học sinh hiểu được, như vẽ, hay ngôn ngữ cơ thể. Tiếp theo, học sinh bây giờ ngữ pháp có thể không chắc lắm, nhưng văn hoá phẩm phương Tây hiện diện ở mọi nơi, trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm, người người IELTS nhà nhà IELTS, với tình hình đó, học sinh cấp hai ít nhiều có thể giao tiếp một cách đơn giản với người nước ngoài, có khi còn trơn tru hơn cô suốt ngày ngữ pháp. Cùng với đó, học sinh nào cũng biết trợ giảng sẽ giải thích cho chúng nếu chúng không hiểu, trợ giảng cũng luôn quan sát xem học sinh đã hiểu thật hay chưa, nên việc hỏi và đáp khi chưa hiểu là điều rất dễ làm. Nhưng cô cứ sợ học sinh không biết làm gì, thế nghĩa là không quan sát còn gì nữa, cũng quá xem thường khả năng của nhau. Anh thầy Tây ghét việc dịch là vì như thế, học sinh không ngốc nghếch đến nỗi “Open your books page 2 and we are doing the listening task” cũng không hiểu được và chúng ta cần ghi nhận khả năng nghe hiểu của chúng, không ai lại cần điều thừa thãi cả.
Tôi thì tôi cho rằng học tập chỉ thành công khi có sự chủ động của người học và sự thấu hiểu của người dạy. Nếu anh thấy kiến thức đó cần thiết, anh sẽ tự nguyện học nó, học với động lực to lớn. Và chỉ thế anh mới tiếp thu được. Điều cần làm không phải là đảm bảo chúng làm xong hết bài tập của tiết hai một cách hoàn hảo theo lối bây giờ các em làm việc nhóm năm người làm theo mẫu câu trên bảng đi, mà là dạy cho chúng thái độ và phương pháp học tập : không hiểu kiến thức thì ta phải hỏi, và học trên nhiều phương tiện, nhiều cách thức, phải tìm tòi nhiều phương pháp. Song song, cái gì dễ đến dễ đi, phải để học sinh cố gắng mà hiểu, mà tư duy về kiến thức thật nhiều thì mọi thứ mới ngấm, tiếng Anh thì càng phải thế, tôi cho rằng hoàn toàn kiểm soát được tiếng Anh là khi bạn tư duy tiếng Anh bằng tiếng Anh thay vì dịch ra tiếng mẹ đẻ. Vì vậy hãy tin học sinh nhiều hơn, cũng tôn trọng chúng nhiều hơn, để mọi thứ không thành sự hành hạ, trường học sẽ thành nơi tiếp thu tri thức chứ không phải nơi nhốt trẻ con cho bố mẹ đi làm, giáo viên là thầy truyền đạo đức và con chữ chứ không phải người quản giáo học sinh đi khổ sai trên đúng con đường mòn ấy.