night-gown

why imx

Giữa các cuộc thi “Học sinh thanh lịch – văn minh” hay tuyển chọn Hoa khôi, Hoa hậu, ta nhận được những câu trả lời tương tự nhau về đặc điểm của một thí sinh như “Em là người tự tin, năng động.” hoặc “Em hòa đồng, thân thiện.” Đó liệu có phải là mẫu số chung của những người đẹp ngoại hình, rằng đúng rồi, phải là người như thế mới dám tự tin đi thi, hay như Yasunari Kawabata nói : “Con người không tự nhìn thấy gương mặt của chính mình.”, kể cả họ có những tính cách đó đi chăng nữa, thì làm sao trên đời lại có quá nhiều con người giống nhau, phải chăng họ vẫn chưa biết ở một mức độ thẳm sâu hơn, hay chính xác hơn, họ là người như thế nào?


Không tự nhìn thấy gương mặt của chính mình, tức là không nhận diện được mình khi chỉ dựa vào năng lực của chính mình. Và vấn đề nhận diện ở đây, tôi cho rằng nó còn hơn thế, nó là câu chuyện của việc có biêt được bốn vấn đề sau đây hay không. Thứ nhất và thứ hai là bản ngã và tính cách. Phân biệt thế nào ? Bản ngã là những gì thuộc về tự thân ta, trả lời cho câu hỏi “Ta là ai ?” Mơ mộng hay thực tế ? Dũng cảm hay yếu đuối ? Nó là câu chuyện của những phẩm chất ta có, quyết định việc ta lựa chọn con đường mình đi như thế nào giữa hàng vạn khả năng. Còn tính cách là cách thức ta đối xử với người khác, kiêu ngạo hoặc khiêm nhường, hung dữ hoặc dịu dàng. Đây là phạm trù có nhiều biến số nhất ở chúng ta, vì tính cách không chỉ phụ thuộc vào năng lượng tỏa ra từ bản thân ta mà còn được đánh giá dựa trên hệ tiêu chuẩn của người khác. Hai điều tiếp theo, một điều trả lời cho câu hỏi “Ta đến từ đâu ?”, tức là những lí do khiến cho ta có bản ngã và tính cách như thế, điều còn lại là vị trí của ta bây giờ và mục đích cuộc đời ta, trả lời cho câu hỏi “Ta đang đi đến đâu ?”


Vậy thì vì sao ta lại không tự nhận diện được chính mình ? Quay trở về với bốn vấn đề trên. Về bản ngã, người ta có thể nhận biết nó dựa qua những quyết định, những lựa chọn của ta. Trước một trận chiến, ta xông lên nghĩa là dũng cảm, ta bỏ chạy nghĩa là yếu đuối. Tạm thời không bàn đến việc thế nào là dũng cảm thực sự, là yếu đuối thực sự, cứ coi như hai nhận định trên là đúng, thì việc xông lên hay bỏ chạy là quyết định của não bộ chúng ta, mà chính bộ não đó lại là cơ quan duy nhất có thể quan sát, nhận định, đánh giá một hành vi. Trong trường hợp tốt nhất, nó đã vượt lên trên sứ mệnh ban đầu của nó là định hướng một cơ thể, quay ngược trở lại để đánh giá định hướng của nó, thì tất cả sẽ lại trở nên hợp lí thực sự khi nó biết câu chuyện đằng sau lựa chọn nó đưa ra, lí do vì sao nó bỏ chạy thay vì xông lên, và như thế nó không thể kết luận mình yếu đuối hay dũng cảm một cách khách quan, lí trí. Về tính cách, nhận ra thế này, ta đánh giá một người là xấu tính hay dễ mến dựa vào cách anh ấy đối xử với ta. Nhưng ta lại không được thiết lập một mối quan hệ nhất định để đối xử với chính mình. Và lại một trường hợp tốt nhất khác, khi ta lại vượt lên trên sứ mệnh ta có được để bắt đầu đánh giá cách ta đối xử với những người xung quanh thì một chướng ngại khác xảy ra, mang tên sự chủ quan. Chúng ta có những tiêu chuẩn riêng của mình về việc dịu dàng và hung dữ. Khi ta cục súc với bản thân quen rồi, ta cho rằng đó là bình thường, nhưng người khác lại không thấy vậy. Ta buộc phải biết được tiêu chuẩn chung và thông thường nhất, phổ biến nhất, để so sánh với chính mình. Đó là trong trường hợp tốt nhất của việc nhìn nhận tính cách, ta vẫn phải nhờ cậy vào một thước đo. Hai điều còn lại, những điều này cần sự tìm tòi, khám phá, quan sát, nó cũng phụ thuộc quá nhiều vào hai điều trên, vậy nên khi không thể biết được bản ngã và tính cách của mình, thì hoàn cảnh và mục đích ta cũng khó mà biết được nốt.


Đó là lí do cho khả năng bị giới hạn của chúng ta, vậy thì nó tốt hay xấu, và ta có cần khắc phục không ? Tôi tin rằng đó là một yếu tố đặc thù của con người, khiến cho E.M.Vinokurov nhận định :
“Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ
Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu.”
Nó biến cho cuộc đời chúng ta trở thành một hành trình, mà ta cần phải đi tìm câu trả lời cho bản ngã cá nhân, trả lời cho câu hỏi ta là ai, ta cần gì, ta tin vào đâu. Và từ đó, ta mới có thể xác định phương hướng tiếp theo. Và cái “khó biết bao nhiêu” đến khi ta phải đưa ra quá nhiều quyết định, quá nhiều lựa chọn khi ta thậm chí chưa biết trong mình, màu gì chiếm vị thế chủ đạo. Ta cứ thế rơi vào trạng thái hoài nghi, ta có thể sẽ gục ngã và phụ thuộc vào con mắt nhìn của người khác, hay ta sẽ sinh ra định kiến với bản thân. Vì vậy, tôi tin là ta cần phải chạy con đường dài ấy, không vì tránh những khó khăn thì ít nhất, ta cũng biết đời kiếp này ta có gì.


Thế thì tìm như thế nào ? Tôi liên tiếp nhắc về khoảnh khắc tốt nhất, khi não bộ ta vượt qua chính nó, nghĩa là nó phải khó khăn lắm chứ, nên bước trên con đường nào đây ? Tôi không chắc, tôi phải thành thực, tôi không chắc, và để cho an toàn, tôi sẽ đi một nước cờ rằng : “Mỗi con người sẽ có một cách thức riêng của chính họ.” Nhưng những gì tôi đã làm là như thế này, tôi nhìn vào kết quả. Tôi mặc kệ quá trình là gì, tôi chỉ quan tâm rằng cuối cùng, lựa chọn của tôi là chiến đấu trong hồn phách run lẩy bẩy, cục súc với người khác để rồi hối hận, và tôi biết điều này thông qua những con chữ của tôi. Chúng ta cần một sự phản chiếu thật chính xác, nó có thể là một người nào đó mà qua họ ta nhận thấy con người của ta, hay như tôi, là những gì tôi viết. Tôi không thể không thành thực khi bắt đầu viết, và tôi biết nó chính là tấm gương được thiết kế dành riêng cho tôi. Tôi nhìn nhận và đánh giá bản thân như thế. Và tôi thực sự, không quan tâm đến những lời nhận xét về bản ngã, về hoàn cảnh, về mục đích mà người khác dành cho tôi. Đây là những điều cần nhiều quan sát hơn, tôi biết rằng nếu tôi thành thực hoàn toàn trên trang viết và viết nhiều nhất có thể, đó là câu trả lời tốt nhất tôi có cho bản thân. Còn tính cách, đúng, tôi cần nghe thế giới, chỉ có những người xung quanh mới nhận định được tôi đối nhân xử thế như thế nào, tôi có xấu tính không, nóng tính không, và phải nghe họ, kể cả những điều họ nói rất khó nghe, thì ta mới hướng tới cái chân-thiện- mỹ cuối cùng được.


Với những câu hỏi tôi đã nêu ra ở phần mở đầu, về những thí sinh của các cuộc thi Hoa hậu, hay Hoa khôi, tôi tin vào vế thứ hai nhiều hơn. Và tôi cũng tin rằng, quá trình tìm hiểu về bản thân là một quá trình không ngừng nghỉ, không bao giờ dừng lại, kể cả khi chúng ta đã đi gần hết cuộc đời này, vì điều bất biến duy nhất là sự thay đổi, ta sẽ không mãi mãi dịu dàng, không mãi mãi hung dữ, ta có thể đẹp hơn hoặc xấu đi. Nhưng ta sẽ đi tìm mình đến mãi mãi, và mong rằng ở thời điểm nào, với kết quả nào, ta cũng có thể yêu thương bản thân, chúng ta xứng đáng được chính mình yêu thương dù có là ai, có như thế nào. Và cũng mong rằng, câu trả lời cuối cùng ta nhận được trong cuộc đời này, là một phiên bản mà ta luôn hướng đến.