gần hai ngàn chiều lưng chừng
gần hai ngàn: số buổi chiều lưng chừng tôi có, và cũng là số chữ của bài viết này, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đọc, hoặc cứ đọc đi rồi drop sau.
Chiều lưng chừng, đồng hồ chưa điểm số bốn, phố Nguyễn Quý Đức thong dong những phút cuối cùng trước khi Thanh Xuân Bắc và Đặng Trần Côn tan cùng một lúc. Việt-An hình như đã hoàn thành giờ chính khóa. Vào lúc này, những mô tả và biểu cảm tưởng đã biến thành sáo rỗng bỗng đẹp lạ lùng: khói từ các vỉ thịt xiên và ngô khoai nướng tỏa ra nghi ngút, bay lên cao rồi lẩn khuất sau màu đỏ của lá bàng sắp rụng. Những cành khẳng khiu khô không khốc hóa ra hợp lý sau điệu múa uyển chuyển của khói bếp nướng, và khói xe nữa, dĩ nhiên. Trên phố Nguyễn Quý Đức có ba hàng hoa bên vệ, đều xinh đẹp và chuyên nghiệp cả. Nhưng tôi thích hàng ở giữa hơn, vì mẹ tôi hay mua ở đó, mà mẹ mua ở đâu thì đó chính là chỗ tốt nhất. Hình như không còn cúc họa mi. Thực ra tôi cũng không thích cúc họa mi đến vậy.
Mà có hay không cũng không quan trọng nữa, và tôi có hít thêm chút nào khói bụi có khả năng gây ung thư phổi hay không cũng chỉ là vấn đề thứ yếu. Cái tôi muốn nói đích xác ở đây là cảm giác của con phố này, vào tầm giờ này, những thứ tôi chưa từng nghĩ là nó có thể tồn tại, những thứ mà tôi không dám dùng cụm từ “đã quên từ lâu” vì chưa bao giờ tôi nhận thức và gọi tên được nó. Tôi từng có nó hơn cả ngàn lần, những chiều đi bộ từ trường về nhà, hoặc ngồi sau xe đạp của Chi. Tôi thừa nhận mình bất lực trong việc cắt nghĩa và thể hiện khái niệm ấy, tôi chỉ biết nó khác, so với những ngày đi về vào chập choạng tối, đường tắc trong còi xe, tôi sang đường trong suy nghĩ mình sẽ không chết ngày hôm nay. Hôm nào tôi cũng nói với Thần Chết câu đó: “Not today”, tôi học từ Syrio Forel, thằng cha kiếm gỗ. Nhưng được rồi, thế nào thì thế, chiều lưng chừng trên phố Nguyễn Quý Đức là một thời điểm đẹp. Tôi sẽ lấy khái niệm này đặt tên cho bài viết hôm nay.
Dạo gần đây tôi trở lại với thói quen cống tiền cho Nhã Nam mỗi tuần, ngày trước thì điều này kéo dài từ đầu năm cho đến khi cạn cả đống tiền mừng tuổi mà mẹ cho phép giữ. Còn bây giờ, với sự giàu có của một học sinh lớp 12, tôi có thể mua được mỗi tuần một cuốn mà không lo chết đói. Thực ra là hôm nay tôi đã mua ba cuốn, nhưng đừng ai nói với mẹ là tôi sẽ nhịn ăn để đi mua truyện tiếp, mẹ sẽ bắt tôi mang cơm từ nhà đi và không cho tôi tiền mất. À, nhưng nó lại cũng không quan trọng. Điều tôi muốn kể ở đây là gì, lý do đích thực của bài viết ngày hôm nay sau năm trăm chữ lệch trọng tâm là gì ? Là tôi sẽ trở thành nhân viên của Nhã Nam. Tôi vừa mới mơ ước thế.
Sau một loạt ước mơ hoang dại kiểu như đi làm đệ của trùm đánh giày phố Nguyễn Quý Đức và thừa kế cả một hệ sinh thái của cô, hay là đi bưng bê cho bún chả Bà Hòa tới khi nào moi được công thức ướp thịt và pha nước chấm, thì hôm nay, tôi tự tin mình đã đẻ ra được một ước mơ nghe thơ mộng và đáng yêu đúng chất một cô gái chuyên văn trong sáng đam mê nghệ thuật và giàu lòng nhân ái, chính xác như những gì mà chúng ta đều chờ đợi. Tôi cũng rất lạc quan, tin tưởng vào ước mơ này, tới mức tôi phán luôn mình sẽ nộp đơn xin việc ngay khi có thư trượt đại học. Nghe tôi, đó là một công việc hợp tình, hợp lý.
Thế này, tôi là người học văn, dù tôi có không giỏi giang lắm, thì tôi cũng đã bên văn được một khoảng gọi là ra phết. Ít nhất thì tôi được giải Nhất văn cấp trường (tôi tin nó có giá trị hơn giải Ba thành phố hồi lớp 11), thế là đủ để chúng ta nên thừa nhận tôi cũng không dốt nát bộ môn này lắm. Và tôi lại còn giỏi bịa chuyện với cả chém gió. Phải ngợi ca nhiều vị mà tôi không đam mê gì cho cam suốt cả một học kì nay đã làm tôi quen với việc bới móc ra một điểm đáng quý của bất cứ một người nào. Tôi khen được Tố Hữu thật lòng thì các vị biết rồi đấy. Ngày trước tôi không được yêu quý nhà thơ vĩ đại của chúng ta cho lắm đâu. Tôi vô cùng chắc chắn về tương lai có thể làm cho người ta mua được quyển sách mà họ đang cầm trên tay, dù là sách tôi đã đọc hay là chưa. Đến bài thi học kì tôi còn làm được bảy rưỡi thì tán tụng một quyển sách mình chưa đọc có là gì. Thành thật với nhau đi, mấy ai trong số chúng ta thực sự đọc tác phẩm trước khi được điểm tám trên tờ giấy thi ? Thế đấy, mà tôi lại có sẵn một xô ngôn ngữ hoa lá cành và sắt gang thép đủ cả để vừa làm cho người ta thấy chất văn của tiểu thuyết, vừa thấy chất lý trí của sách dạy làm giàu.
Mà đấy là tôi đã chơi trên trường hợp tệ nhất là tôi phải nói về những thứ không hợp gu tôi rồi đấy, chứ đa số thứ ở Nhã Nam đều vừa mắt tôi cả. Ngày trước tôi cũng từng khuyên người ta nên mua Keigo rồi. Hôm nay tôi lại được thử sức ở một khu vực mới: kệ bút màu. Chuyện là:
Dáng vẻ vội vã nhưng hào hứng của một người đàn ông cục mịch hỏi mua bút màu cho trẻ con đã cuốn lấy tôi ngay lập tức. Niềm yêu cuộc đời liền trào lên trong tôi khi người ta chịu để tâm đến sự nghiệp vẽ vời của lũ nhỏ, tới mức tôi có thể run lên vì điều ấy. Một người đàn ông đã giã từ tất cả những ngây thơ và tinh tế của nghệ thuật nay đi mua một bộ bút màu, tôi thấy làm sao mà yêu quá, yêu như cách Thạch Lam trân quý mọi vẻ đẹp man mác trên đời, yêu như cách tôi yêu Liên và An, yêu bóng hoàng lan và yêu mùi cốm. Tôi cũng thấy như Thạch Lam đang đứng cạnh mình cười mỉm. Tôi giả như mình đang chăm chú chọn mua một thứ đồ nào đó, mà cụ thể là hồ dán, diễn tròn vai một kẻ đang phân vân giữa keo sữa và hồ khô trong khi cứ chút chút lại tranh thủ đá mắt sang kệ màu, một là để ngắm sự dịu dàng đã bị che khuất ở một người đàn ông bấy lâu, hai là để ngăn ông ta chọn một bộ màu không phù hợp.
Tôi có thể nói đây hoàn toàn là một ông bố, ông bác hoặc ông ông (nội ngoại gì đó) mù tịt về các thú màu sắc, vì ông thậm chí không thể phân biệt giữa sáp màu và đất nặn. Tôi cũng có thể nói đây là một tay đàn ông mà tôi ghét bỏ vào bậc nhất khi không để lại bộ sáp màu vào đúng chỗ mà giúi đại vào một ngăn nào đó. Nhưng thôi được rồi, tôi vẫn trân trọng ông ta, vì mười phút phân vân cho một hộp màu. Cái người dành ra mười phút để chọn cho đứa trẻ ở nhà một hộp màu đẹp và phù hợp thì không thể là người tệ bạc được. Tôi mong ông ta không phải một tay bắt cóc.
Nhưng trân trọng ông ta thế đủ rồi, đến lượt các bạn trân trọng tôi. Sau khi đọc hết cả bảng thành phần của keo sữa Latex, tôi thấy chị nhân viên sau khi nói với người đàn ông rằng sáp màu được đặt ở hai kệ bị chia cách bởi một kệ khác để màu dạ. Tôi thấy khó hiểu, không ai đi xếp sáp màu theo cái lối ấy. Và y rằng, nỗi sợ của tôi thành hiện thực. Ông ta chọn màu sáp dầu cho một đứa trẻ hai, ba tuổi. Điều ấy với tôi là không thể chấp nhận được, vì dẫu có người lớn trông, thì sự xao nhãng vẫn có thể xảy ra, mà màu sáp dầu lại có thể dây bẩn ra tay, và không ai biết nó có quệt cái đó vào mồm không. Nên là không thể. Chưa kể những quý bà lo lắng thừa thãi của chúng ta sẽ cho rằng đó là một sự bẩn thỉu đáng chết nếu màu bị bôi vào quần áo và cấm tiệt đứa trẻ tô màu. Vậy nên chúng ta cần cho nó một bộ màu đủ an toàn, nghĩa là không bẩn tay (dù cái bẩn của sáp dầu rửa phát là hết), và không cần phải gọt, và khi bẻ phải có tiếng đủ to để ngay khi đứa bé chế biến bút sáp thành một miếng có thể cho vào miệng thì sẽ bị ai đó phát giác, kể cả họ đang nhặt rau (còn đến nước xem phim đến đờ đẫn thì tôi xin phép được miễn giảm trách nhiệm, tôi đã cố gắng hết sức). Vậy nên nó phải là màu sáp bình thường.
Tôi đã cất tiếng chính khi ấy, nói với ông ta đâu là bộ màu nên mua. Và chao ôi thật là tuyệt, hình như ông ta chỉ chực chờ một ai đó cho một câu trả lời, đã lấy luôn bộ màu tôi chỉ và đi thanh toán. Tôi cảm tưởng như mình đã làm một việc thật trọng đại, bảo vệ và ươm mầm cho sáng tạo của cả một con người. Niềm vui này hẳn là giống niềm vui thuần khiết trong những câu chuyện cổ tích về lòng tốt của nhân loại. Nhưng mà tôi vui thật, cảm giác như tôi có thể bằng đống tri thức này mà giúp người ta chọn được một cuốn sách hoặc cái bút phù hợp, và thế là cả ngày, hoặc cả tuần, hoặc cả đời người ta sẽ khác. Tôi thấy nó vừa hợp với đống tài mọn chẳng đủ làm nghệ sĩ của tôi, nhưng lại cũng vẫn là tài. Và nó thật là một không khí yên bình. Người ta cứ nghĩ đến những công việc lớn lao và thú vị nhiều quá, nhưng đôi khi mình lại hạnh phúc hơn nhiều khi làm một nhân viên bán hàng bình thường. Và tôi sẽ có một phong cách giới thiệu riêng, tài hoa uyên bác hơn những con người thờ ơ hiện tại. Thế lại đâm ra giúp đời và giúp cái đẹp hơn là gắng gỏi trở thành một nghệ sĩ mà mãi bất lực nên sinh sự chán đời, cáu kỉnh và luôn bất mãn.