night-gown

bà tôi bắt tôi ngồi im trong nhà, tôi và bà đội cả trời lặng thinh

tôi nghĩ đến bà nội tôi, một thực thể kì lạ, một con người kì cục, một cá tính kì dị, một cảm giác kì diệu. những ngày tôi thấy mất hết sức lực kết nối với loài người, tôi lại nghĩ đến bà, vì hình như bà cũng đã sống một đời như thế.

tôi từng mong mình thoát khỏi bà. nghĩ lại, tôi không biết phải đánh giá quãng thời gian tôi sống cùng bà thế nào cho phải. nói là nghiêm trọng thì là nghiêm trọng, mà nói là cỏn con thì là cỏn con. bà cũng không đánh đập hay hành hạ gì tôi, tất cả những gì bà làm là bắt tôi ngồi im, quán triệt cách thức tôi làm việc nhà, mắng tôi mỗi khi trót sai, và khảm vào não bộ của tôi rằng: tôi phải nhường em tất cả mọi thứ, trong bất cứ trường hợp nào. không có gì khác lạ so với những người bà khác. nhưng vì hồi đó tôi chỉ có một tâm hồn mong manh và non nớt, nên tôi cho rằng đã có những ảnh hưởng nhất định mà mấy việc cỏn con đó đem lại.

nhiều lần, tôi buộc tội rằng do bà làm tôi cảm thấy mình tủi thân và một cách độc địa khẳng định rằng tôi vô dụng quá nhiều lần từ khi còn nhỏ, vậy nên tôi thành ra khổ sở như bây giờ. tôi không chắc cái cảm giác lúc nào cũng cảm thấy bất công ảnh hưởng đến tôi ra sao, nhưng tôi nghĩ nó có để lại một di chứng nào đó, vì nhớ lại, những ngày tệ nhất trong tuổi thơ tôi là những ngày bà nội bênh em vô cớ, và tôi thì cứ lầm lũi chuộc hết cái tội không thực của mình. và còn cả những lúc bà nói tôi tối dạ, tôi nghĩ phần nào tôi trở nên tự ti như thế này là do tôi đã nghe quá nhiều những lời khẳng định như thế. hay là cả sự hướng nội cực đoan của tôi, suy cho cùng, cũng là do tôi phải ngồi im trong nhà quá nhiều vào khoảng thời gian đó.

vậy nên tôi từng rất ghét bà, rất ghét. cho đến khi đã chuyển lên thanh xuân, tôi vẫn không thích bà. bà với bi là một phe, bố mẹ với ông tôi trung lập, tôi là phe còn lại, phe yếu thế, là con chó ở chiếu dưới, lúc nào cũng nên câm mồm. hồi ấy trong đầu tôi có hình dung như vậy. tôi đoán đó là một dạng thức bắt nạt.

nhưng rồi thì tôi nhận ra những điều tồi tệ ấy sinh ra cũng để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp khác, hay chính nó là một điều tốt đẹp. di sản mà bà để lại cho tôi là một cá tính, có thể nói là có phần tiêu cực và yếm thế, nhưng với sự hoà trộn đặc biệt cùng những nét tính cách sẵn có, tôi trở thành con người như thế này. tôi đoan rằng con người ban đêm của tôi chính là do bà đã để lại. con người tự nhốt mình trong phòng, từ chối giao du, dùng những tác phẩm nghệ thuật để đưa mình tới một thế giới khác, để vượt thoát ra khỏi cuộc đời hiện tại, hay là cả một trạng thái phòng bị với con người, những thận trọng và dò xét cũng là thứ tôi thừa kế từ bà. bà là giáo viên dạy văn, và bà có một sự nhạy cảm nhất định với ngôn ngữ, nhưng bà chưa từng trực tiếp dạy tôi một bài học nào. chỉ có ông nội là dạy tôi học.

có lần, ông nói rằng nếu tôi trở thành giáo viên, ông sẽ để lại cho tôi gia tài những đề toán mà ông sưu tầm được trong suốt sự nghiệp giáo dục của mình, cùng những quyển sách ông từng viết, hay là những ghi chép của ông. đó là một gia tài đồ sộ và có nhiều lợi thế cạnh tranh. chỉ là, tôi không đi dạy toán. tôi vẫn quyết nối cái nghiệp ông bà để lại, nhưng là nhánh trông vào thì dang dở hơn, nhánh của bà. bởi vì, sự nghiệp giáo dục hời hợt của bà, nhìn lại, đã làm nên một chiến thắng ý nghĩa ở phút thứ tám chín. bà tạo ra tôi. tôi cũng không quá tài năng, nhưng tôi vẫn gọi tôi là chiến thắng ý nghĩa của bà vì dạy văn, trong trường hợp tốt đẹp nhất của nó, là dạy người ta thành người, dạy người ta biết sống, biết yêu ghét, biết trải qua mọi trạng thái của giống loài mình. bà cho tôi đầy đủ những nhạy cảm để nhìn nhận những thứ vô hình đó, bà truyền cho tôi năng lượng và thái độ của một người cần văn chương, muốn tiếp nhận văn chương. bà dẫn tôi vào với đường văn một cách tình cờ. vì bà bắt tôi ngồi im, vì bà khiến tôi tủi thân, vì bà đắp ở dưới đáy hồn non nớt của tôi một nỗi buồn đáng kể. nỗi buồn ấy không cho tôi sự lựa chọn nào khác ngoài văn chương.

và bà làm một bước khác khiến tôi đi đến với văn học. như đã nói, bà tôi nhạy cảm với ngôn ngữ. thứ bà có là một kho từ vựng giàu hình ảnh và sức gợi. ngay trong ngôn ngữ đời thường, bà cũng có thói quen “lạ hoá”, một trong những đặc trưng cốt lõi làm nên văn chương. bà có khoảng một chục cách chửi tôi dốt nát, dùng trong một chục mức độ và sắc thái khác nhau trong những lần tôi không được khéo léo cho lắm. hay là bà có rất nhiều tính từ chua ngoa để nói về hàng xóm. rất độc hại, nhưng không thể phủ nhận là nó đã bắt tôi phải có những đòi hỏi nhất định trong cách diễn đạt của một con người, và có một khao khát nào đó với ngôn ngữ.

đó là những thứ rất lâu sau tôi mới nhận ra, sau cả khi tôi giật mình thấy rằng tôi thực sự đã hấp thu nhiều tác phong của bà. sự đồng nát nằm trong cách bà để dành từng cái túi nilon khiến tôi biết tiếc của, cái dẩm dờ trong cách đi đứng làm việc của bà dần dần ngấm vào người tôi, tạo trong tôi một nhịp điệu làm việc đúng như vậy, chậm rãi và có phần uể oải. tất cả những gì bà làm với cuộc đời bà ngấm dần dần và chậm rãi vào trong tôi, khiến tôi phần nào trở thành người kế thừa của bà. bà sống trong cách tôi đi đứng hành xử. bà sống trong cách tôi dần dần trở thành một kẻ lập dị, như mẹ tôi đã miêu tả, hay là cách tôi dần dần thu mình.

ý thức được điều này, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra bà nội không quái đản trong những năm tháng cuối đời, khi lúc nào bà cũng rút vào cô độc. có một đêm nọ, tôi khao khát biết về bà da diết, tôi khao khát đi tìm chân dung của bà. bà là người thế nào, bà đã ôm những tâm sự gì, đã có những trải nghiệm ra sao. tất cả những thứ đó, bỗng nhiên tôi tò mò. đáng lẽ bà có thể là một người bạn của tôi, vì bà cũng như tôi. tôi muốn tái hiện lại bà ở đâu đó, để tôi tin rằng tôi có một người bạn thân thiết, một tri kỉ thực thụ.

nhưng tôi không tìm thấy gì trong đống sách vở cũ nát của ông nội tôi. nghe nói, hồi thiếu nữ bà cũng mê ca hát. nghe nói, ngày trước ông đã đàn cho bà ca. nhưng, bà là người đàn bà phải nhìn thấy con mình chết. trong ba đứa con, đứa út, đứa mà chắc là bà cưng nựng nhất, đứa sáng láng và có tương lai nhất, chết trong tuổi thanh niên. tôi lờ mờ đoán ra bà thay đổi từ đó. nhưng tôi không có gì hơn.

đêm ấy, tôi đọc dưới bóng hoàng lan. đêm ấy, tôi điên cuồng muốn dựng lại chân dung của một người bà, một người bạn. đêm ấy, tôi không biết làm gì ngoại trừ bất lực hoàn toàn trước việc mình đã bỏ lỡ một tâm hồn đáng quý.
bà tôi chết chắc cỡ ba bốn năm. tôi cũng không đếm. lý do bà chết, đến giờ tôi không chắc, tôi là đứa trẻ con, nên không có lý gì tôi lại được đọc di chúc. hiện tại, tất cả những vật thể tôi còn lại của bà là cuốn phố của chu lai, bà đọc vào một ngày đông, bà mặc măng tô và đội mũ len có in linh vật của sea games 22. bà đi xuống nhà, nặng nhọc vịn vào thành cầu thang, kêu trời sao mà lạnh nhức hết cả chân. tôi hỏi bà tại sao lại có phố chu lai thế, bà chỉ bảo người ta in sách thật là sai, tên tác giả chu lai chỉ được in nho nhỏ ở trên đầu, chứ in thế này làm người ta nhầm hết cả. hồi ấy tôi vẫn chưa biết chu lai là tên tuổi nào.

đến bây giờ, thi thoảng nhớ tới bà, tôi chỉ lờ mờ dựng được một chân dung con người đã trải qua đủ những khổ đau để trở thành độc hại những năm cuối đời; hình dung được một cá tính nghệ sĩ có tự do và phóng khoáng đã chết cùng với sự ra đi của đứa con trai út ít; cảm nhận được năng lượng của bà như một con người đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào; và biết ơn tất cả những di sản bà để lại trong căn phòng nhỏ ở tầng hai. tôi không kể tất cả ở đây, vì nó là năm năm dài với nhiều chất liệu mơ hồ bị bẻ cong bởi thời gian và nhận thức.

tôi đoán có lẽ một ngày, khi cây bút của tôi vững hơn, tôi sẽ kể lại câu chuyện của bà, tôi sẽ cho bà sống một cuộc đời khác thay vì tư cách một kẻ lập dị trong con mắt họ hàng, hay sự ghét bỏ của đứa cháu duy nhất còn muốn nói chuyện một cách tử tế lại với bà. suy cho cùng, cái vị trí là đứa cháu cả trong nhà đã đem lại cho tôi cái định mệnh được trở thành đứa cháu gần gũi nhất với ông bà nội, để tôi kế thừa và ý thức được những gì hai con người ấy để lại.

Comments Off on bà tôi bắt tôi ngồi im trong nhà, tôi và bà đội cả trời lặng thinh