sáng tác

yêu hay không yêu không yêu hay yêu không thể nói trong một lời

“Làm thú vật làm thánh thần cũng dễ

Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu.”

Sống như một con người, chính là trải qua một hành trình khó khăn và phức tạp như vậy, nhưng cũng đồng thời rất đẹp đẽ. Nếu tôi chỉ được trả lời câu hỏi này trong một vài từ ngắn gọn, tôi sẽ chọn từ “đấu tranh”. Làm người chính là trải qua sự vật lộn như thế, với chính mình, với xã hội, với sự sống nói chung. Và trong quá trình giằng co ấy, lúc nào cũng xuất hiện những câu hỏi, những băn khoăn, những cãi vã mà chính nó sẽ khiến con người – một cá thể của một giống loài, trở thành Con Người – một cá nhân đầy kiêu hãnh. Tôi sẽ thử đi qua con đường ấy ở đây như cách ta di tay từ điểm này đến điểm khác ở trên bản đồ, để xem xét thế nào là sống như một con người.

Bộ sưu tập băn khoăn

  • Câu hỏi “Tôi là ai”

Trong suốt tuổi thơ mình, tôi luôn tự hỏi nếu như mẹ tôi lấy một người khác và sinh ra một đứa con khác thì nó sẽ là ai. Nó vẫn là con của mẹ tôi, nên hình như nó là tôi, hoặc tôi chính là nó, nhưng lúc ấy tôi lại khác tôi của bây giờ, tôi sẽ có cảm giác khác về chính mình, mà lúc ấy thì tôi sẽ ra sao. Đó là một cảm giác rất kì lạ, đến giờ tôi vẫn không lí giải được. Cái ý thức “tôi” này vẫn sẽ tồn tại, nó chỉ rời đi một tính cách khác và một số phận khác. Trong quá trình thử vong thân, tôi có những phức cảm vô cùng khó chịu vì suy nghĩ mình sẽ có những tư tưởng khác và sở thích khác – tôi sẽ ham muốn một điều gì đó khác. Trong một khoảnh khắc tôi tưởng như tôi sắp mất chính mình. Tưởng tượng đó nói với tôi một điều rằng tôi là một tồn tại độc lập và riêng biệt trên thế giới này, có những suy nghĩ và nỗi sợ riêng.

Song, sự hoang mang trong lòng tôi tiếp tục nổi lên. Đó là năm học lớp chín, đột nhiên tôi chẳng biết mình là ai và cái việc giới thiệu tên, tuổi, quê quán hay tất cả những thứ khác đều là vô nghĩa. Tôi vẫn hoàn toàn có thể có một cái tên khác, học ở một trường khác, nhưng tôi vẫn là tôi. Hình như trước giờ mọi người chỉ dạy tôi định vị mình ở đâu mà thôi. Sâu thẳm bên trong, tôi là một người như thế nào ? Tôi có thể biết tính cách của mình là gì qua phản ánh của những người xung quanh. Nhưng bản chất, tôi là ai ? Chẳng ai biết được điều ấy, “Con người không tự nhìn thấy khuôn mặt của chính mình.” mà mỗi ý kiến của người khác lại là một điều rất chủ quan, thế đấy. Nên những câu hỏi ấy cứ mãi chập chờn, rất nhiều phần tuổi trẻ của chúng ta hoang mang ở một lan can nào đó, nhìn xuống dưới, có thể hút thuốc, uống cà phê, cũng có thể không, rồi tự hỏi mình là ai giữa cuộc đời này.

Riêng tôi, tôi đi đến kết luận tôi là ai mà chẳng được. Nghe vô trách nhiệm, nhưng tôi đã gọi mình là ẩn số x trong phương trình bậc hai mà mỗi học sinh phải giải tới hàng ngàn lần. Tôi là x, nếu như thay một giá trị khác của m thì tôi cũng sẽ khác đi. Tôi không nghĩ mình là một hằng số. Con người luôn thay đổi mà nhỉ ? Vì thế nên mới có chuyện tiếc nuối một người vào một thời tuổi trẻ trước khi tha hóa chứ, và nói họ đã đánh mất chính mình. Người ta thích nói thế khi một ai đó thay đổi mà, giống như chúng ta có một cái “mình” nào đó cố hữu và có đủ sức để đánh mất nó được. Làm gì có, chúng ta chẳng bao giờ đạp đổ những thứ đã ăn sâu vào hồn cốt mình từ bé, chỉ có thể kiềm tỏa nó, còn những thứ hời hợt đủ để chưng ra bên ngoài cho người khác thấy, có mất đi thì cũng có sao đâu. 

Nhưng dẫu thế nào thì, cái câu hỏi ấy, cũng là thứ mà tôi nghĩ rằng sẽ làm nên một con người, bởi chúng ta tự gọi mình không phải với từ “cá thể” mà là “cá nhân”, chúng ta có thể vẫn tồn tại những tính cách như những chú mèo, có đứa thì hung dữ, có đứa lại nhút nhát. Chúng ta vẫn thế thôi, chỉ khác ở chỗ ta biết hỏi về những thứ đó, còn lũ mèo, đến bây giờ, khoa học vẫn nói rằng chúng không hỏi.

  • Câu hỏi về ý nghĩa

Một cảm giác khác tôi hay phải đối diện chính là suy nghĩ sao mà mình bất tài vô dụng. Tôi luôn muốn đâm đầu vào tường chết ngắc luôn khi có suy nghĩ rồi tôi sẽ chẳng làm được gì đáng kể cho đời. Trong danh mục nỗi sợ của tôi, thay vì nước đái bọ xít, tôi đặt “một công việc bàn giấy” lên đầu. Trang XTD, một tác giả tôi đam mê lắm, kể cuộc đời một cô gái sinh ra, đi học, đi làm, lấy chồng, đẻ con, chăm con, rồi chết. Sau đó kết luận : “Nghĩ lại thì chỉ cần một câu để kể thôi : cô ấy sống đến lúc chết.” Đấy chính là viễn cảnh tôi tởn vô cùng, một cuộc đời nhàm chán, không phải vì tôi ham mê cái đẹp và sự nhàm chán chính là thiên địch của cái đẹp, mà là như thế thì sống làm đếch gì nữa, chẳng có tí ý nghĩa nào. Đã sống thì cũng phải làm cái gì đấy và để lại cái gì đấy chứ. Dù tôi biết thừa nó chẳng khó khăn điên rồ. Con người sinh ra vô cùng bất lợi, yếu ớt hơn những con vật sơ sinh khác, và chúng ta phải học rất nhiều. Gánh trên vai hai chữ Con Người, chúng ta không thể thảnh thơi được, tổ tiên chúng ta là kẻ sát nhân hàng loạt, và không chỉ đơn giản là sát nhân, cũng đã làm nên đủ những thứ Cách mạng, nên chẳng lẽ chúng ta lại sống chỉ như vậy thôi. 

Tywin Lannister khi sống đã nhất quyết phải để lại một di sản. Những con người của phố huyện mà Thạch Lam đã kể cứ chăm chăm đợi đoàn tàu đến, đợi “một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ”. Lúc nào đời chúng ta cũng phải vận động, cũng phải làm gì đó. Ta phải sống, và không chỉ sống, mà còn phải sống ý nghĩa. Tôi có ước mơ được trở thành một con bò trong quảng cáo sữa, cả ngày thung dung gặm cỏ trên đồng cỏ bao la, bên trên là bầu trời cao rộng, và tôi vẫn có thể cống hiến bằng cách cho sữa, và đến lúc chết thì thịt của mình cũng sẽ làm được điều gì đó có ích. Một con bò, không phải vật lộn, mà vẫn có thể cống hiến. 

Con người luôn băn khoăn về ý nghĩa như thế, tôi biết đây là một thứ rất người. Chúng ta sinh ra để làm gì ? Sứ mệnh của mình là gì ? Ý nghĩa của cuộc đời mình là gì ? Có một giai đoạn, trong đầu tôi luôn lởn vởn ý nghĩ rằng thực ra chính trị chẳng là cái gì cả. Nếu như thực sự có một đấng nào đó trên cao kia ngó xuống thì tất cả những cuộc tranh cử vào ghế tổng thống, cấm vận, chiến tranh thực ra chẳng khác gì cái nhà trẻ – giành nhau một món đồ chơi, giận dỗi nên không cho kẹo,… vậy thôi. 

Những câu hỏi về ý nghĩa đó, lũ mèo sẽ không có. Vì nếu chúng từng hoảng hốt nhận ra đời chúng chỉ là một chuỗi ngày ăn ngủ ị và vờn mấy cọng rau thì chúng sẽ làm một cuộc cách mạng nào đó ở bên ngoài, biến cuộc đời có ý nghĩa chứ không chui vào xó nhà và phè phỡn nữa. 

  • Câu hỏi về nhân phẩm

Tôi không định phân tích tác phẩm của Nam Cao ở đây, nhưng tôi hay đọc Nam Cao quá nên có lẽ chỉ chút nữa thôi, tôi sẽ sa vào và viết về Nam Cao ngay. Hắn ám ảnh vô cùng về nhân phẩm con người, tôi dùng chữ “hắn” vì đôi khi tôi rất ghét Nam Cao, đọc Nam Cao dẫu khó khăn mà vẫn cứ đâm đầu vào đọc. Có lẽ hơn ai hết, hắn đòi hỏi con người những thứ thật người. Phải có lòng tự trọng, phải lương thiện, phải sống cho đúng với cái tư cách của mình. Hắn tạo nên hàng lớp bi kịch tự vần xoay trong đầu mỗi nhân vật, chỉ bởi vì những đòi hỏi về phẩm giá của hắn. Nhưng rồi hắn vĩ đại, cố nhiên. Vì sinh ra làm con người, không cố mà sống cho ra cái chữ người thì thất bại quá. Hắn viết cái điều làm chúng ta rất day dứt.

Giống như đã là sư tử thì phải làm vua, không thể “Hakuna Matata”, đã là con người thì phải có phẩm giá. Đó là một trong những thứ tôi không giải thích được vì sao. Nhưng từ những câu truyện cổ mà tôi nghe ngày bé, tôi biết chúng ta sẽ phải trở thành người tốt. Độc ác thì sẽ phải trả giá, từ cổ tích đến luật pháp đều dạy ta thế. Nhưng tôi không muốn tin như vậy, giống như chúng ta hiền lành chỉ vì chúng ta hèn nhát không dám chịu đựng một điều khủng khiếp vậy. Thế thì có phải chúng ta tốt thực sự đâu. Nam Cao có một đoạn làm tôi băn khoăn ghê gớm, ấy là “Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa.” Đáng lẽ ra phải mạnh thì mới hiền lành được chứ nhỉ. Vì sợ, vì yếu đuối nên mới phải đi hại người khác để bảo toàn mình. Nhưng cũng có thể đó chỉ là một câu hỏi cho thế giới và Nam Cao cũng nghĩ như tôi thôi, hắn viết “kẻ mạnh là kẻ nâng người khác trên đôi vai của mình” mà. 

Quay lại với câu hỏi vì sao ta phải sống cho tử tế. Có thể, chỉ là có thể thôi, chúng ta bắt ép nhau trở thành người tốt để đảm bảo lợi ích cho xã hội loài người. Để chúng ta có những con đường trơn tru, chẳng phải cái thiện cao đẹp gì đâu, mà là vì lợi ích đấy.

Nhưng tôi vẫn ước, một mơ ước rất chân thành, lớn lên làm được người tử tế, nghe như một đứa bé mơ mộng mặc đồ ngủ kì lân ngước mắt lên nhìn mẹ đòi đọc truyện ấy nhỉ. Nhưng vì tôi rất xấu tính, rất ích kỉ, rất tham lam. Tất cả những thói xấu ấy trước khi khiến ai đó đau khổ thường làm cho cuộc đời tôi xấu xí hơn, và cảm xúc của tôi tiêu cực hơn. Tử tế, trước hết để bảo vệ cho mình đã, sau thì để mẹ không phải buồn, và những người mình yêu được hưởng đãi ngộ tốt chứ không phải chịu đựng nhiều.

Nếu mà tôi nói ra miệng như vậy, dễ sẽ gặp phải phản ứng : “Những người hay nói đạo lý thường sống như ***” Tôi cũng thấy nó đúng, nhưng không phải theo cái thái độ chê trách đó. Tôi không nghĩ người ta có thể hiểu được đạo lí một cách trọn vẹn nếu không từng sai trái và đấu tranh để dập tắt cái sai của mình. Vì những lời giáo huấn sinh ra cho kẻ tồi tệ mà, chỉ khi từng tồi tệ thì ta mới thấm được hết, đủ để biến lời của các cụ thành cái gì đó mình sẵn sàng nói ra. Thế nên, cái yêu cầu phải có nhân phẩm ở đây, tôi nghĩ nó không đến mức cực đoan như Nam Cao, rằng ta phải chết để bảo toàn được phẩm giá, nó có thể chỉ là những giây phút sám hối vì đã làm sai thôi, giống như lúc mắt lão Hạc ầng ậng nước vậy. Chỉ thế thôi, còn hơn là một đời lúc nào cũng lương thiện, nhưng vì sợ hãi bị cô lập.

Đó là yêu cầu, là đòi hỏi của việc làm người. Nhân phẩm, giá trị, tất cả những thứ đó, có thể mãi mãi ta không thể làm cho trọn vẹn. Truyện tôi thích nhất của Nam Cao không phải Chí Phèo hay Lão Hạc, mà là Cái chết của con Mực. Trong đó, Du đã để phẩm giá của mình thua. Du không cứu Mực. Người trí thức được kỳ vọng ấy để người bạn yếu đuối của mình chết. Nhưng như thế Du mới là con người. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo, chẳng bao giờ làm được như yêu cầu của mình. Chúng ta còn dằn vặt và đấu tranh, nhưng như thế ta mới không thành thánh thần. Hội tụ tất cả đòi hỏi đó làm ta đẹp, nhưng tới một mức độ nào đó, sẽ làm đời ta xấu. Vì ta sẽ đơn điệu biết bao, chẳng còn gì để mà vận động nữa. Trong phần tới, tôi sẽ bàn về thử thách trong việc làm người, làm rõ hơn suy nghĩ trên.

Mặt cầu không có phương trình

Thật kì lạ khi mỗi bộ phim hư cấu nhất, vớ vẩn nhất lại là những bộ phim mà chúng ta thích xem nhất, một khi bắt đầu là chẳng thể ngừng được. Khi xem “Itaewon Class”, tôi nhận ra rằng, hơn ai hết, Park Sae Ro Yi phải thành công, anh ta phải thắng bằng mọi giá. Xem “It’s okay to not be okay”, tôi cũng thấy Ko Mun Yeong hay phải được điên hết mình, ai có thể sống thực, chứ chị nhất định không. Vì Park Sae Ro Yi và Ko Mun Yeong là hy vọng của chúng ta, giống như đứa con duy nhất đỗ đại học của cả làng vậy. Nếu những nhân vật ấy không đạt được nguyện vọng, chúng ta chẳng biết tin vào đâu và vin vào đâu nữa. 

Đời chúng ta khó khăn. Muốn đạt được ước mơ, muốn phá bỏ những xiềng xích trên mình nhưng chẳng bao giờ chúng ta làm được. Mỗi lần tôi thấy bố kêu công việc xì-chét, tôi đều tự hỏi lỗi có phải của mình hay không. Đúng, tôi không cố ý, nhưng rất có thể, cái gông cùm của bố mang tên tôi. Qua trường hợp này chúng ta thấy hai thứ.

Một, chúng ta vừa sinh ra đã là một điều gì đó tồi tệ rồi. Vì đời quả thực là bể khổ. Chúng ta không đòi được sinh ra, đôi khi chúng ta chẳng muốn. Đã có ai đó kiện bố mẹ vì đã sinh ra mình. Nhưng chúng ta vẫn chào đời và đi qua tủi cực. Tôi, đến một mức độ nào đó, là một con người mê tín, tôi rất hứng thú với tử vi đẩu số. Và càng xem, tôi càng thấy Nguyễn Gia Thiều đúng :

“Con quay búng sẵn lên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.”

Chúng ta chẳng ai có quyền quyết định cuộc đời mình cả. Tôi biết tôi không thể kháng cự những biến cố có thể xảy ra mà cùng lắm chỉ có thể gây nhiễu. Mọi người có thể thấy nó ngu ngốc, không sao, tôi cũng không cố chứng minh nó đúng, vì quả thực tôi chứng minh không nổi. Dẫu sao, chúng ta, vẫn ra đời như thế, và bằng một cách nào đó, trở thành gánh nặng cho người khác trong gần hai chục năm. Chúng ta không những chịu khổ mà còn khiến người khác khổ, ta vẫn nói “theo chồng bỏ cuộc chơi” còn gì. Bỉm và sữa biến những cô gái căng mọng và lãng mạn trở nên toan tính, mà Berlin của Money Heist đã nói về nó dưới một góc độ khác hơn. Mà nó, lại chẳng phải lỗi của ai.

Hai, hình như con người ta chẳng bao giờ tự do nổi. Ai cũng biết là theo chồng thì phải bỏ cuộc chơi, nhưng người ta vẫn lấy, vì không theo chồng thì thật là sai. Con gái lớn lên thì phải lấy chồng, thế thôi dù chẳng hiến pháp nào qui định thế. Chúng ta tự mặc định với nhau, nên mỗi bà cô độc thân đều hoặc là rất đáng thương hoặc là rất đáng nể, tùy bà cô đó chăm sóc da và mặc quần áo thế nào. Thói quen của cộng đồng là thứ ta không cưỡng lại được. 

Song, tuổi trẻ, tất cả gia tài của chúng ta là ước mơ. Lúc ấy ta giàu có biết bao. Sau rồi, ước mơ teo lại thành một bức tranh cất gọn đâu đó, chúng ta chỉ còn những chiếc hộp, bằng bê tông hoặc bằng kim loại. Mất hết đôi cánh, ta chỉ còn biết ngắm nhìn Park Sae Ro Yi chiến đấu. Và trong lúc ấy, hình như ta cũng đã vùng vẫy, và cũng đã thắng, ta có niềm tin thực sự. Giống như xem bóng đá, ta ăn mừng một chiến thắng không phải của ta, mà là của mười một con người khác. Thật là buồn, đời chẳng như là mơ.

Cách duy nhất để đời như là mơ ấy là mơ chính cuộc đời mình. Khổ nỗi, ta không bao giờ mơ thế ! Khoảng năm ngày sau khi nhận được đề bài, tôi biết rằng con người là con người khi nó bướng bỉnh. Adam và Eva là người vì dám ăn trái táo, vì không nghe lời. Đấy là hư cấu thì thôi không chấp cũng được. Nhưng thực sự là như thế, sau đợt tuyệt chủng thứ nhất, những con vượn dám đi ra khỏi khu rừng đã trở thành con người. Adam và Eva là do tôi suy luận ra, còn mấy con vượn là do một thầy giáo kể. Nhưng làm sao mà lại viết câu trả lời như thế được nhỉ, nó quá dễ dàng, đến mức tôi tưởng như mình là một con chó (ngáp phải ruồi). Tôi lại cũng đọc Nam Cao nữa, nên chữ “tư cách” trở nên nghiêm trọng vô cùng. Nên tôi nghĩ ngợi tiếp, câu trả lời là bướng bỉnh cũng được, nhưng phải do tôi nghĩ ra. Tôi kể thế để chứng minh tôi cũng bướng, ngoan như tôi cũng bướng. Nên con người chúng ta, đều bướng. “NGƯỜI – CON CÃI TRỜI”

Và cái bướng khiến chúng ta không muốn thỏa hiệp, không muốn bằng lòng, không muốn nghe lời. Ta cứ ham cái này, thèm cái kia trái với điều kiện của ta. Đáng lẽ dòng nước chảy xuôi thì ta nên buông theo, cứ trôi như vậy chẳng mất gì. Nhưng ta không thế mà cứ khổ sở lội ngược. Ta đấu tranh với chính nội tâm của ta : “To be or not to be”, an toàn hay tự do, chọn con tim hay là nghe lí trí,… Đáng lẽ chúng ta nên nhất quán, nên hiền hẳn như Tấm hoặc ác hẳn như Cám, nhưng vì chúng ta còn có những yêu cầu với chính mình, còn có phần người khi vẫn còn phần con, nên lúc nào trong ta cũng là trận chiến. Dằn vặt. Khỉ thật, phần con thắng thì nhục, mà phần người thắng thì bải hoải, chẳng có trọng tài nào lại phải phân vân như thế này. 

Mà dẫu ta đã xong với mình đi, thì vẫn còn bao thế lực khác phía trước. Cụ thể thì là bà hàng xóm, thím hàng nước, cô dì chú bác, cũng là con người như ta thôi, nhưng cũng bất hạnh như ta, nên làm ta bất hạnh với những dòm ngó của họ. Vô hình thì là cuộc đời, chủ nhân của những cú tát làm ta nên người ấy. Còn khó lắm, và gian nan lắm. Chẳng lúc nào ta được yên. Nên vòng tròn lại cứ lặp lại, những cuộc đấu tranh cứ luân phiên. Ta luẩn quẩn trong vòng đời của mình. Đôi khi ta vùng lên, đôi khi ta cúi đầu thỏa hiệp, như cái cách mà ta chịu làm nô lệ cho đồng tiền. Trong những trích mà đề bài cho, tôi thích nhất là câu của Keynes, vì tôi đồng cảm. Tôi không chắc có thật là Einstein nói không, nhưng khi tôi biết nhận định Phật giáo là tôn giáo của tương lai, tôi biết nó tuyệt vời, nhưng nó cũng bất khả thi. Chúng ta không thể rời bỏ những tòa kim tự tháp đã xây nên, chúng ta cũng không thể nghĩ rằng nó là vô nghĩa, nó là đau khổ, nó là hủy hoại. Có lẽ vì thế, chúng ta thờ thần Shiva.

Nhưng đau khổ và bế tắc vậy mà chúng ta mới lại sướng. Lê Minh Khuê viết : “Việc gì cũng có cái thú của nó.” Câu ấy và đoạn cơn mưa đá làm tôi thích “Những ngôi sao xa xôi” chứ tôi chẳng mê gì cô Phương Định có ánh mắt sao mà xa xăm. Cái khổ của cuộc đời con người khiến cho nó ngắn ngủi nhưng lại khác biệt. Có thể đến cuối cùng, ta vẫn thất bại thôi, nhưng sự giằng xé, cái khó khăn, việc vùng vẫy khiến cho ta vận động, mà vận động tức là ta đã sống. 

Tôi mê nhất Trịnh Công Sơn khi ông nói : “Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn đã bất toàn để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì nó bất toàn, nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi.” Đáng lẽ ra, tôi chỉ cần viết những câu ngắn ngủi như vậy thôi, rằng sống như con người chính là sống với những mặt đối lập, sống như một hình cầu, hay đại loại như vậy. Nhưng vì chúng ta có khát khao được nói ra mà, nên tôi mới dài dòng và kể lể thật nhiều. Thật kì lạ nhỉ, những điều như thế này, đến một mức độ nào đó đã được coi là những điều thầm kín, có thể ta sẽ chẳng thể nói với những người yêu dấu, bố mẹ chẳng hạn, mà nói với người lạ thì dễ biết bao. Chắc vì thế mà Viên Mai mới nói làm người thì không nên có cái Tôi, khó sống hơn nhiều. Nhưng tôi tin vào tiếng Việt hơn, khi Tôi mà thêm sắc thì thành “tối”, huyền thì thành “tồi”, nặng thì thành “tội” nhưng mà mất đi thì “toi”. Ôi thế thôi cũng đủ hiểu làm người khó biết chừng nào.

Comments Off on yêu hay không yêu không yêu hay yêu không thể nói trong một lời