bình luận

chẳng biết may hay rủi vì trở thành một đống rác

The Kissing Booth, giới phê bình thì lắc đầu, nhưng hầu hết cô gái trẻ mộng mơ nào cũng thích. Có thể một nửa thích vì tình tiết nhẹ nhàng không bi luỵ, tươi sáng và đáng yêu, một nửa khác thích vì “nội dung” mang tên Noah hay Marco, nhưng không thể phủ nhận sự hấp dẫn của bộ phim này với các khán giả trẻ tuổi, hay trẻ lòng. Đi một chút vào phân tích, với người viết, đây chính xác là một câu chuyện cổ tích với công chúa Elle, hoàng tử Noah và phù thuỷ Lee. Giống như bà Hoàng hậu trong Snow White, mẹ kế trong Cinderella, ông phù thuỷ Lee đến đây để gây sóng tạo gió cho đôi uyên ương cùng những phép màu như giận dỗi công chúa hay tỏ vẻ thất vọng với nàng. Không quan trọng ông ta có là bạn của công chúa hay không, những người bên trên còn là mẹ cơ mà, quan trọng là, trong quá trình đến với nhau, công chúa và hoàng tử phải vượt qua tác nhân gây rối này. Các nhân vật người phò trợ, giống như bảy chú lùn, bà tiên cũng xuất hiện ở đây, hãy tìm thêm để thấy sự phong phú của nó.

Đến đây, hẳn các bạn phải đặt câu hỏi: “Nhưng chúng ta đâu có thích cổ tích?” Đúng và sai. Bây giờ chắc chẳng ai thích Chử Đồng Tử với Tiên Dung, hay các chàng hoàng tử Charming và Philips của Disney nữa. Nhưng một thời họ là giấc mộng hằng đêm của ta. Không thể chối cãi rằng trong cảm thức mong manh của đứa trẻ là ta ngày nào, họ chính là công lý, là cái thiện, là hạnh phúc, họ đánh lại cái ác. Và quay lại thời điểm những tác phẩm như thế ra đời, thời kỳ Trung Đại với những gò bó của Nhà thờ Công giáo với phương Tây và chính quyền Nho giáo với phương Đông, con người ta rất cần một nơi để thể hiện ước mơ và để tin, và tất thảy ước mơ được viết trong cổ tích là những ước mơ nguyên sơ nhất của ta. Nó là ước mơ được hạnh phúc, được trân trọng, yêu thương, và nó sẽ không chết khi ta lớn lên. Cái ta ghét ở cổ tích là nó quá đơn giản và sến sẩm với những ký hiệu làm thành motif, đủ để ta thấy đó là giả. Nhưng đừng quên, ngay khoảnh khắc trở về làm con người, mong ước đầu tiên của Chí Phèo là một happy ending với công chúa Thị Nở.

Tất cả những Iron Man, Black Widow là giấc mơ cái thiện của ta, cảm ơn vì còn giấc mơ ấy. Hay Park Sae Ro Yi chính là hiện thân của tư tưởng “Ở hiền gặp lành” mà ta vẫn gặp. Những bộ phim thương mại, giải trí mà người ta vẫn nói là vô ích và nông cạn, thực ra chính là cách khiến ta có niềm tin quý giá. Ta có thể không tin vào anh cu Sọ Dừa, nhưng ta hoàn toàn cảm nhận được một ngọn lửa của tuổi trẻ đam mê và nỗ lực bùng lên trong mình khi thấy Park Sae Ro Yi từ tầng đáy của xã hội bước lên cao. Vì anh ta hiện đại và chân thật, giống như một người ta có thể quen biết. Xem những thứ hư cấu nông cạn ấy, dần dà ta có được niềm tin vào những thứ mà ta cần tin, như sự nỗ lực ắt thành công, như hiền lành thì sẽ được giúp đỡ. Trong những năm tháng chông chênh của cuộc đời, khi mà hiện thực đập vào mắt những giá trị đảo lộn: phải bon chen, phải vị kỷ thì ít nhất, với những câu chuyện cổ tích hiện đại trên, ta vẫn còn nuôi được cảm giác của cái thiện.

Hơn nữa, trong vần xoay của Cách mạng 4.0 và những tác động của nó đến thời đại, chưa bao giờ con người ta bị kéo căng đến thế. Trong những lúc cùng cực với áp lực, ta không cần nghệ thuật cao siêu với những ý tưởng triết học hàn lâm và kinh viện, hay các phân đoạn đòi hỏi ta phải thật cố gắng để thấu cảm và sau đó ta sẽ hiểu về chân lý của vạn vật muôn đời. Không, ta chỉ cần những giây phút không còn là ta với những quẩn quanh, và một cảm giác nào đó rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua. Tất cả những thước phim thương mại trên làm được điều đó tốt hơn, ta có thể vong thân, làm Captain America hay Black Panther một chút, tưởng như ta đang chiến cuộc chiến của họ, một cuộc chiến mà chắc chắn họ sẽ thắng. Cứ End game là sẽ thắng, không như ta end game trong thất bại. Việc đến cuối cùng Cap có thắng không rất quan trọng với ta, vì nó chính là thứ gỡ nút lòng của ta. Xem xong và thở xuống, rồi thì mọi chuyện cũng qua tốt đẹp. Phim nghệ thuật, giống như văn chương bác học của những Nguyễn Khuyến ngày nào, chỉ có Dương Khuê đọc thôi, vì nó đầy rẫy các biểu tượng và kí hiệu cần giải mã, hay nói cách khác, cần có kiến thức để xem thể loại này. Hầu hết chúng ta không như vậy, nên chỉ cần những cảm thức đơn giản và triệt để của phim giải trí thôi.

Những bom tấn thương mại, vị nhân sinh theo lối ấy đến cuối cùng, có gì sai ?

Comments Off on chẳng biết may hay rủi vì trở thành một đống rác