night-gown

một bài viết từ rất lâu rồi, về một người bạn mất rồi tìm lại

Hình như là năm mười tuổi, hay mười một tuổi, lũ trẻ con bắt đầu có nhật kí, và hình như chúng cũng chưa hiểu nhật kí là gì, chỉ biết đó là quyển sổ, nó đẹp hơn quyển vở. Chúng ta đều thích những quyển đẹp hơn quyển vở.

Và hình như chúng biết đó là nơi để chúng ghi, còn những người khác sẽ không được đọc. Còn ghi cái gì, vẫn là hình như, là chưa ai biết cả. Chắc là bí mật.

Có thật nhiều hình như đó, là vì cuốn nhật kí đầu tiên của tôi có, tôi không nhớ trước lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó, tôi đã viết gì vào hay chưa, hay kí ức duy nhất là, hồi ấy ở Fahasa, tôi cùng người chị họ hơn ba tuổi dắt tay nhau bước vào và tìm cuốn sổ có khóa, vì phải có khóa thì mới không ai đọc được. Tôi cũng chỉ nhớ, cuốn nhật kí có vỏ màu hồng.

 Lúc tính tiền, chị thu ngân hỏi thế này :

  • Nhỏ xíu mà đã biết viết nhật kí à ?

Tôi không trả lời, như cách tôi vẫn vờ như điếc và bỏ ngoài tai lời của những người không liên quan đến mình. Nhưng tôi nghĩ về quyển nhật kí, rằng nhật kí thì viết có gì mà khó.

Thế là cuối cùng, quyển nhật kí của chị họ tôi dùng để chép lời bài hát, còn của tôi chẳng có một bí mật nào cả. Bí mật của tôi nằm hết trong đầu để rồi dần dần nó không còn là bí mật nữa, rất nhiều người đã biết tôi đứng vịn song sắt cửa sổ, dõi mắt sang tivi nhà hàng xóm xem hình còn vểnh tai lên nghe tiếng bên vô tuyến phòng bố mẹ vào những đêm muộn chiếu “Sự quyến rũ của người vợ” mà bố mẹ cấm không cho tôi thức khuya , cũng nhiều người biết tôi có những sáng đến trường tiểu học mà thấy mình lạc lõng và vô định nên bật khóc dù cho ngày đó, đến lí do mình bật khóc là gì tôi còn chẳng biết. Thì ra cái cuốn sổ được định sẵn sẽ là một kho báu chứa những điều thầm kín quan trọng không nhận đủ sự tín nhiệm như trí nhớ còi cọc của một đứa bé, và thì ra những điều giấu giếm vào bậc nhất hứa sẽ chìm vào dĩ vãng của trời đất và nằm ngậm như hến trong lòng mình rồi cũng trở thành một câu chuyện nhỏ đáng yêu của những ngày sau sau.

Nhưng có một lần, tôi nhớ thế này, tôi táy máy giở một cuốn sổ trên bàn học nọ, và tôi nhận ra đó là một cuốn nhật kí bé xíu. Một bạn con trai cũng viết nhật kí, không màu mè cho lắm, và cũng ngắn như mọi cuốn nhật kí khác. Chắc là bạn cũng chẳng nhớ mình đã viết thế với một sự kín kẽ, vì mười mấy năm sau, bạn ông ổng hát chính câu đó dưới dạng câu mở đầu một ca khúc của Phùng Khánh Linh. Đã từng có một thời, buồn là cái gì đó buồn và bí mật. Tôi đoán chính những tháng ngày ta mới có một quyển sổ và bắt đầu tự hỏi mình sẽ viết gì rồi đặt vào đó một câu nào đó thành thực, chúng ta viết nhật kí dễ nhất, dù còn khướt ta mới hiểu được cái buồn của mình ngày hôm ấy bản chất nó là cái gì, có phải chỉ là dỗi hờn vu vơ nằm trong cái cười lố bịch đắc thắng của đứa em, hay chỉ là một lần mẹ bảo đi chơi thì về nhà cho sớm chứ không phải một điều gì đó kinh thiên động địa. Rất nhiều ngày sau, ta rất buồn, không phải là dăm ba những thứ bé bằng cái tin hin nữa, mà hẳn là một cú ngã đau đớn mất đi người mình trân quý, mà hẳn là lần đầu tiên nhận thức được mình là một đứa gì đó hình như không nhiều lắm giá trị, nhưng ta không viết nhật kí. Chắc là ta sẽ viết một cái status để cả nhà vào chia buồn, cũng chắc là ta sẽ ngẩng đầu nhìn trần nhà cả đêm thao láo. Chúng ta mất đi một phần bản thân và một đứa bạn thân như thế.

Comments Off on một bài viết từ rất lâu rồi, về một người bạn mất rồi tìm lại