night-gown

một bài cũng viết từ lâu rồi. đăng vì không muốn giữ một mình nữa.

Hai chị em Kang Eun Ki và Kang Eun Bo là sinh đôi. Vì một lời tiên tri mà nhất định phải giấu một đứa đi, không thể để lộ nhà có hai con gái cùng tuổi. Eun Bo hay trốn ra ngoài chơi, một hôm gặp Thế tử Lee Kyung, cứ thế thích nhau. Rồi Eun Bo mất tích, lạc gia đình, trở thành tình báo mong tìm lại bố mẹ. Sau nhà họ Kang đưa con gái đến tuyển tú, chỉ còn Eun Ki. Thế tử giờ trở thành vua, nhất định Eun Ki là người năm xưa mà chọn nàng, nhưng Eun Ki bị sát hại. Eun Bo sau đó trở thành Hoàng hậu quá cố sống lại, lấy thân phận khác lại tham gia tuyển tú. Eun Bo không còn là Eun Bo nữa, chỉ có thể là Eun Ki.

Chưa bao giờ, với thiên hạ, Eun Bo được làm Eun Bo (cho đến gần cuối phim vì phim cần có kết vui và đôi chính cần được có một sự kết nối nào đó làm người ta rung động).

Mình không biết với những người phụ nữ xưa, thì họ có đề cao tên họ và việc mình được làm chính mình hay không, được làm một cá nhân độc đáo hay không, nhưng với mình, dù cho không phải từ bỏ cái tên kiêu hãnh đi chăng nữa, mình vẫn thi thoảng dằn vặt về điều này.

Sản phẩm của cái tôi luôn thôi thúc mình trở nên khác biệt. Các bạn nữ xúng xính váy dài dạ hội đến prom, mình không muốn trở thành một trong số đó, chỉ tìm những chiếc váy táo bạo hơn. Các học sinh chuyên văn rất hay lấy dẫn chứng từ tác phẩm của Nam Cao, cũng nhiều người thích Nam Cao, mình thậm chí còn không muốn đọc Nam Cao. Các người trẻ thế hệ mới hưởng thụ nhạc Jazz, những kẻ có chút ít máu nghệ thuật rất đam mê loại này, mình dù thích Nat King Cole nhưng luôn cố chối bỏ.

Có một lần mình viết bài về Nam Cao, không phải bài tập gì cả, chỉ là vì mình không kìm được sau khi đọc “Cái chết của con Mực”, nhưng mình không muốn ai biết đến nó, vì có một chị nọ mà mình vạn nhất phải khác hoàn toàn chị ấy, cũng giỏi chữ và thích Nam Cao. Mình nghĩ không phải mình, mà người con gái nào cũng thế, không muốn mình là Yukiko hay Izumi với Hajime, chỉ muốn mình độc đáo và ấn tượng như Shimamoto-san. Và ở trong một biến thiên khác, không bao giờ muốn mình tương đồng với một ai đó, dù chỉ là một chút.

Ám ảnh này tưởng như chỉ là vấn đề với những nghệ sĩ trong sáng tác của họ, nhưng hóa ra là dằn vặt của mọi cái tôi trên đời này. Những cái tôi muốn có màu sắc của riêng mình. Song, bảng màu cũng chỉ có đến ngần ấy, những nhóm màu không nhiều. Dù ít dù nhiều, ta buộc phải có sự tương đồng với kẻ khác. Burnt Umber vĩnh viễn khác Burnt Sienna, nhưng đến cuối cùng, nó vẫn cùng có màu đỏ và màu đen ở trong. Bởi vì thế mà ta mới kết nối được với nhau và tồn tại khái niệm soulmate – tri kỉ, nhưng cũng bởi vì thế, cái đau đáu muốn trở thành kẻ dị biệt không bao giờ tồn tại. Nhất là khi, chúng ta ở trong một môi trường giáo dục kiểu Việt Nam, mặc đồng phục, chữa bài một đáp án, văn học thuộc lòng, một tư tưởng duy nhất.

Chấp nhận được sự thực đó là một điều khó khăn. Nhưng ta không còn cách nào khác. Cố gắng để càng trở nên khác biệt ở trong cốt tủy ư ? Ta sẽ phản bội lại chính mình, ta sẽ trở thành một phiên bản lỗi của sự dị biệt, và càng xa hơn phiên bản đầy đặn của cá tính ta. Nhận thức được mình không thể khác lạ và độc đáo hoàn toàn cũng tương tự như nhận thức được mình không tài giỏi như mình nghĩ, đều khiến ta bớt tự tin vào bản thân, một chút hay nhiều chút. Hóa ra khẳng định vị thế của mình khó hơn ta tưởng tượng.

Song, đành phải tự an ủi mình rằng, nếu mình kiên trì với những suy nghĩ chân thành nhất, mình vẫn là một tiểu vũ trụ độc đáo một cách tương đối, sẽ có chút trùng lặp với người này, vài tương đồng với người kia, nhưng vẫn có đâu đó mình là duy nhất.

Comments Off on một bài cũng viết từ lâu rồi. đăng vì không muốn giữ một mình nữa.