bình luận

và khi tro bụi

trưa mùa hè yên ả, hoa vàng đã đi hết, những quằn quại cũng trôi biến về đâu, “và khi tro bụi” cũng chỉ còn là “và khi tro bụi”.

tôi chẳng nhớ mình biết nó vào ngày nào, nhưng đọc thì mới hôm qua. chuyện kể về hành trình đi tìm cho mình một bản sắc để chết. An Mi không phải là cô gái trẻ như chúng ta hoang mang về cuộc đời ngày mai, An Mi muốn cái chết của cô có một sức nặng của cuộc đời đằng trước nó. đây là một câu chuyện đáng yêu.

nhân vật cứ đi mong manh trên ranh giới của sự sống và cái chết, lúc thì ngả sang bên này, lúc lại ngả sang bên kia. tôi không có kết luận gì mới về danh tính sau khi đọc xong tác phẩm này, chỉ có những điều người ta đã nói hằng trăm năm, rằng không được phản bội quá khứ, rằng bản sắc anh được tạo lập ra từ tất cả những mâu thuẫn trong quá khứ và cách chúng tương tác với nhau; rằng anh sẽ chỉ tìm thấy mình khi đặt mình trong một mối quan hệ với ai đó khác. đến cuối cùng, khi An Mi thực sự tìm thấy cuộc đời mình trong một trạng thái trở về với tro bụi, thì cô vẫn so sánh mình với Anita hoặc Marcus, chỉ khi có sự khác nhau thì mới tồn tại bản dạng. và phải thừa nhận sự khác biệt đó, chứ không thể sống vay mượn như cách cô đã suýt chút làm. Michael nào thì phải chịu trách nhiệm với Marcus đó. cuộc đời đã gắn kết con người lại với nó bằng thứ keo duyên nợ nào đó, hết sức riêng tư và cá nhân.

“Letting things get personal is how we make it matter.” An Mi đã làm thế với câu chuyện của nhà Kempf, chứng minh cho tôi đó là một cách tạm. vẫn tốt, nhưng tạm. cuộc đời vốn dĩ đã cho ta hết tất cả những lực hút ấy. rồi từ đó hình thành những “đường viền”. những lúc đường viền đó biến mất là những phút an lạc và tuyệt đẹp, dễ chịu và khoan khoái, nhưng chừng nào người ta còn mưu cầu màn sương để xoá đi những đường viền đó và chạy trốn, thì chừng ấy nó còn lay lắt và đeo bám không rời.

cái kết của hành trình này là một cái kết đáng ra không bất ngờ, nhưng cũng như cách An Mi đã phủ quyết sự tồn tại của giây phút ấy nên cái kết đã trở nên rúng động và ám ảnh. “An ơi, chạy đi!” nếu nắm tay con bé em và cùng nó chạy đi, An Mi sẽ lớn lên vào khoảnh khắc ấy, nhưng khoảnh khắc ấy đã bị lãng phí, nên An Mi đã tồn tại như một đứa trẻ mồ côi suốt chục năm sau đó. những điều tiếp theo trong cuộc đời cô diễn ra như vòng lặp, cho đến khi nào cô hiểu được thì thôi. hiểu nó vào giây phút cận tử là cách hiểu cũ kĩ nhưng cực đoan. cái cực đoan làm nó bớt cũ kĩ đi.

bằng cách nói nhiều về cái chết, “và khi tro bụi” cho người ta thấy hình hài của sự sống, tạo ra “đường viền” cho cuộc đời người. làm thế nào mà cuộc đời ta có nghĩa? tại sao người ta lại cứ phải vẫy vùng trong cái bể khổ này? đề cập đến những khái niệm Phật giáo, và bàn luận về nó một cách duyên dáng, thực tình thì đến cuối tôi lại thấy yêu thương cuộc đời có “da thịt để biết ấm lạnh”, có “đôi tay để chơi đàn” và có “con tim để buồn thương” nhiều hơn.

tôi thích sự tĩnh lặng và mơ hồ của cuốn truyện, đặc biệt thích aphorism của tác giả, nhất là về âm nhạc. nó đẹp và xứng đáng nghĩ riêng. và còn nhiều điều để nghĩ, để tự hỏi về những kết luận của tôi ngày hôm nay, vì đây, với tôi, là một tác phẩm hay.

Comments Off on và khi tro bụi