night-gown

đi Hà Nội

Mình chưa thử đi đâu nhiều. Nơi xa nhất mình từng đi là Thái Lan. Vì trải nghiệm ít ỏi như vậy nên mình cũng không rõ thành phố nào trên thế giới này sẽ là phần còn lại của đáp án cho câu hỏi mình thuộc về đâu. Nhưng ít nhất, đến hôm nay, mình thấy mình may mắn khi được sống ở Hà Nội.

Mình nhiều khi ghét Hà Nội, Hà Nội có nhiều tính cách quá, mà đôi khi, một vài tính cách khiến mình bài xích. Mình không ưa cảm giác khi mình đi trên đường Âu Cơ vào sáng nay, người đông, đường hẹp, cả một bên mắt của mình thấy toàn những ô uế. Mình càng không ưa cảm giác bước vào đường Xuân Diệu, người ở đây không lãng mạn như nhà thơ ấy đâu, họ là những con người thực sự sống cho một thành phố đầy khói bụi, họ không quan tâm đến văn minh : chó, cứt chó, chó, cứt chó.

Mình biết chắc chắn đó không phải là Hà Nội trong tim mình, đó là một Hà Nội khác, chỉ có tên gọi thì trùng chứ bản chất thì khác xa. Mình lúc đó nhớ Hà Nội vô biên. Đi giữa lòng Thủ đô đấy, để đi tìm một Thủ đô.

Và rồi mình tìm ra một nét nho nhỏ của Hà Nội trong một gian phòng nho nhỏ giữa một con ngõ trên đường Đặng Thai Mai, một gian phòng thơm mùi thiên nhiên, thơm cả mùi văn minh. Mình bước vào phòng khẽ khàng và lặng lẽ, cất một tiếng chào hỏi cũng nhỏ nhẹ chẳng kém, mình biết bình thường mình hiếm khi như vậy. Nhưng giữa cái đẹp dung dị ấy, mình sợ tiếng nói của mình phá vỡ cả không gian. Đó là một cái hội chợ, và cả cái hội chợ đó, sáng nay, chỉ có một vị khách là mình.

Mình lượn một vòng, những thứ đồ nhỏ bé, thơm tho, sạch sẽ, đẹp đẽ, những thứ không vương nổi bụi bặm và ô uế của những con đường phàm tục. Mình thấy sách, thấy tinh dầu, thấy bánh bích qui, thấy trà, thấy ống hút thuỷ tinh, thấy xà bông tự làm, thấy quần áo nhuộm thực vật,… Mình cuối cùng mua một cái ví nhỏ, một quyển sách và một gói trà dù mình lúc đầu đến đây không định mua trà.

Nhưng đặc sắc không nằm ở mình mua gì, đặc sắc nằm ở cốc trà mà mình được uống. Mình được tận mắt nhìn thấy những động tác pha trà của anh Ân, làm lần lượt những bước mà trước giờ mình chỉ thấy trên những video về trà mà mình tìm xem trên mạng. Mình từng uống trà đá, trà túi lọc, nhưng mình chưa bao giờ uống trà ngon như thế – trà Vị Thuỷ của chị Tân. Anh Ân nói nó có vị bơ sữa, chị kính-tròn-đồ-đen-mặt-thanh-tú nói nó hẳn không phải vị cốm như người ta hay bảo. Vị giác mình trước nay chưa từng được đối xử tử tế đến vậy, ngạc nhiên trước vị trà trong trẻo, thanh thanh nhưng phảng phất cái vị ngọt. Đúng, nó giống với ánh mắt của Kohaku lúc tiễn Chihiro đi ấy, đẹp như vậy. Còn chị Thơ, người vốn hứa hẹn sẽ pha trà cho mình lúc đó vừa đi mua bánh ngọt về, và mình ăn bánh ngọt, uống trà, thảnh thơi và nhẹ nhõm lắm. Chỉ đến khi lại bước đi trên hai con đường Xuân Diệu và Âu Cơ, mình mới cảm thấy đúng là trà Vị Thuỷ có vị của bơ sữa, nó đọng lại ngậy ngậy trong cổ họng mình.

Mình nghe các anh chị nói chuyện, cũng chỉ góp một, hai câu. Điều kì diệu là một con bé rất ngại nhìn vào mắt ai như mình lại có thể giao tiếp bằng ánh mắt và nụ cười với những người trong gian phòng ấy. Và mình đã nhìn vào mắt anh Ân, đôi mắt to, trong và tử tế. Mình nhìn vào mắt chị Thơ, đôi mắt dịu dàng và thanh thoát. Mình nhìn vào mắt chị kính-tròn-đồ-đen-mặt-thanh-tú, đôi mắt sáng và nhẹ nhàng. Mình nhìn vào mắt anh-tóc-xoăn-cười-tươi-đến-sau, và đó là đôi mắt năng động nhất trong số bốn người.

Đây là lần đầu tiên mình thấy thật khó để bỏ về. Và mình biết, tính cách đáng yêu nhất của Hà Nội ở đây.

Mình đi mua đồ cho Wilkes, và đi về trên con đường Nguyễn Trãi quen thuộc. Mình nhận ra, thực ra mình làm gì cũng được, việc nhỏ cũng được và việc lớn cũng được, chỉ cần nếu mình làm nghề pha trà thì phải pha trà bằng cả tâm hồn như anh Ân, nếu mình làm nghề nhuộm vải may đồ thì phải nhuộm vải may đồ không tiếc đôi tay mĩ miều như chị kính-tròn-đồ-đen-mặt-thanh-tú, nếu mình làm nghề bán đồ cho thú cưng thì phải lấy cả tấm lòng ra để tư vấn như anh ở PPS. Thế thôi, chứ làm gì chẳng được, thoải mái và dụng tâm, dụng công là đời đẹp rồi.