night-gown

tôi nói về quê hương

Suốt hai tiếng trên đường, tôi chỉ mê man trong giấc ngủ. Cho đến lúc tôi nhận thức được bản thân đang nơi đâu thì ánh đèn đường đã chói lọi, những chiếc xe đã lạnh lùng lao về phía trước giữa phố xá đông đúc, chật chội, thi thoảng lại gầm thét bằng tiếng còi inh tai nhức óc. Tôi đành tự cười với chính bản thân mình, hiện thực lại hiện ra trước mặt rồi, một cuộc sống xô bồ, bề bộn, với vài con người không muốn gặp và những mối quan hệ ngắn ngủi đến đáng buồn.

Nguyên một ngày qua, tôi đã được sống một cuộc sống, có phần giống với cuộc sống mà tôi hằng mong muốn, ở một nơi mà tôi rất quen, nơi tôi giã từ để đi về phía ánh đèn đường lạnh lẽo.

Đã có một lần, năm tôi học lớp bốn, tôi viết một bài văn về nơi này mà chẳng có bất kì cảm nhận nào cả. Thành phố đẹp đẽ này qua ngòi bút của tôi hiện lên như bao vùng khác và được khép lại bằng một câu tỏ tình khi đó rất giả dối : “Yêu lắm,quê hương em *** ****.”

Tôi của bây giờ hãnh diện nói yêu cái nhịp sống ở đó. Rất chậm rãi, rất yên ả. Tôi sẽ ăn một bữa thật no nê rồi trò chuyện với những con người ít khi được gặp mặt và sau đó tỉ tê tâm sự cho đến đêm với người chị họ chuẩn bị thi đại học nhưng vẫn chưa biết chọn trường gì. Và sáng hôm sau, tôi sẽ dậy lúc tám giờ sau gần nửa tiếng đạp chăn và lăn lộn chống lại cơn buồn ngủ. Sau khi ăn sáng, tôi sẽ đọc sách, đọc truyện, đọc thơ cho đến khi có người gọi đi phụ dọn cơm. Rồi tôi ăn bữa cơm có mắm tép chưng thịt, có canh rau muống hái vườn vắt chanh và có món cam nhà hàng xóm giồng gọi là tráng miệng. Hoặc tôi sẽ ăn bữa cỗ linh đình có đến chục mâm với món lợn quay mồm không ngậm quả táo, gà luộc nguyên con và một số món xào. Sau đó, tôi sẽ đi lượn lờ hết cả thị xã, ăn mấy món ngon ngon rồi đi vào trung tâm thương mại chỉ để đi vệ sinh nhờ. Tôi yêu cả cái vắng lặng của những con đường dài mà đặc biệt là con đường “mỏ sét”. Tôi cũng yêu cái lạnh khắc nghiệt hơn Hà Nội của mùa đông và cái nóng dễ chịu hơn Hà Nội của mùa hạ. Tôi yêu từng cây bàng lá đỏ, từng con ngõ nhỏ có đầy con chó to, từng cái xe buýt đầy bụi có vẻ nghiêng nghiêng sang một bên cho đến những cô bán nước cho hẳn một thìa đường to ở quảng trường và những người đàn bà cầm cái chổi to lùa con chó vào chuồng.

Nơi ấy của tôi, có căn nhà bề bộn của bà ngoại với những thứ nước kì lạ trên sàn, với những đôi dép thủng sẽ bị người khác đi mất bất cứ lúc nào. Nơi ấy của tôi, có khu chuyên gia rất lâu rồi tôi chưa trở về với quán bác Phương bán cháo một bát hai thìa ruốc, bán cả mì trẻ em và xê trái tim. Nơi ấy của tôi, có trường mầm non chuẩn quốc gia UNICEF với cô Ngót, cô Xuân. Nơi ấy của tôi, có mẹ Tiến, một cô giáo dạy trẻ mầm non có lẽ đã nghỉ hưu từng để tôi ngủ trên căn gác xép của nhà cô với chị con gái hôm bố mẹ tôi đi công tác. Nơi ấy của tôi, có vườn ươm Bình Thanh chuyên ươm cây lấy gỗ của bác Đào mà tôi từng lên ở trong hai tuần để hoà hợp với thiên nhiên, tích luỹ kinh nghiệm sống. Đó là một vườn ươm không quá đẹp, không quá rộng nhưng chưa bao giờ hết thú vị với tôi. Tôi đã từng đi đến cuối vườn và lên trên chỗ đất trống đầy hoa dại rất mộng mơ nhưng nghiêm cấm Diệu Trang, từng nhìn thấy con rắn chuẩn bị bò vào nhà, từng nhìn thấy con chuồn chuồn to bằng ngón tay, từng vào căn bếp đun bằng củi, từng xách cái nồi đầy nhọ để lem cả vào áo,…

Và lần này, tôi lần đầu tiên thấy được một vẻ đẹp, một vẻ đẹp rất lạ mà tôi đã quá quen. Đó là khi tôi đi qua cây cầu bắc ngang qua sông Đà. Hồi nhỏ, mỗi lần đi trên cầu, tôi luôn thấy nó thật là dài. Nhưng hôm nay, nó sao mà ngắn quá, khiến tôi chẳng có đủ thời gian ngắm nhìn đập thuỷ điện phía xa. Bây giờ, hiện lên trong trí óc của tôi, không có tượng đài của Bác Hồ bên trên đập, chỉ có đập thuỷ điện tĩnh lặng giữa cái xanh xanh của núi lẫn trong mây khói sương và những rặng núi mờ ảo phía sau. Tôi cũng nhớ cả mặt nước phẳng lặng đang trầm mình vì cái lạnh.

Trước ánh đèn bàn học vàng vọt, tôi ít nhiều quên mất những rung động của con tim lúc ấy. Dẫu vậy, tôi chưa quên và sẽ không quên nụ cười thoải mái tôi và những con người đáng yêu ở đây đã dành cho nhau.

Nơi cất giấu những gì đơn thuần nhất của tôi.
“Yêu lắm, quê hương em Hoà Bình.”
Trước ánh đèn le lói của bàn học một ngày đông,
Diệu Trang đang rung động vì cảnh đẹp.

Comments Off on tôi nói về quê hương