night-gown

chuyện khóc

Thứ nhất, mình phải nói trước rằng mình chưa đọc những báo cáo về mặt sinh học, tâm lí học về việc khóc. Đây chỉ là những gì mình đã kinh nghiệm.

Thứ hai, mình thừa nhận, mình khóc nhiều đến nỗi nước mắt của mình nó trở nên rẻ tiền. Xem phim thấy lâm li bi đát, khóc. Nghe nhạc thấy buồn, khóc. Đang ngồi tự dưng thấy không ổn lắm với trái tim, khóc. Rồi lúc mình thấy buồn, thấy mệt, thấy đau, thấy chơi vơi, thấy chênh vênh, thấy chấp chới, cũng khóc. Nói chung là điều kiện cần và đủ để khóc của mình rất đơn giản, thấy đời biến động là khóc được rồi.
Mình cũng không ngại khóc ở nơi đông người, cứ muốn khóc là mình sẽ khóc thôi.

Vậy nên cái cách mình nhìn việc khóc không quá dè dặt hay tránh né.

Nếu có một người đang khóc, làm ơn đừng đến gần, cũng đừng hỏi tại sao lại khóc rồi nói thôi đừng khóc nữa, có sao đâu. Cách tốt nhất để an ủi một người khi khóc là đưa cho người đó tờ giấy xỉ mũi; nước mắt quệt quệt mấy cái chùi vào quần là hết nhưng nước mũi phải có giấy lau mới sạch, mới thấy thông thoáng. Mình cứ khóc xong một trận là phải xỉ mũi cho sạch, mũi thoáng khí rồi là lòng cũng bớt nhầy nhụa. Cách tốt thứ hai là cho người ta mượn bờ vai. Tại sao mình lại xếp cái này xuống thứ hai ? Ấy là tại vì khóc vốn là sự trào dâng của cảm xúc, mà cảm xúc của một con người nên được cảm nhận trọn vẹn bởi anh ta, chứ không phải san sẻ bớt cho người khác lúc ấy.

Nếu có một người đụng chút là khóc, đừng vội đánh giá người đó yếu đuối. Ta có thể cho rằng họ sống cảm xúc, thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí nên cách tiếp nhận những điều xảy đến là tình cảm phải trào dâng trước đã. Và mình thấy như vậy thực sự rất mạnh mẽ, rất khỏe khoắn. Bạn thấy không ổn, bạn đi đến tận cùng của sự không ổn để tống khứ nó đi sớm đương nhiên sẽ tốt hơn việc ôm cái tệ rồi để nó chồng chất trong lòng. Hơn thế, cái việc khóc được ở nơi đông người ấy, nó có thể là yếu đuối quá mà không thể cầm được, cũng đồng thời có thể là con người đó vốn chẳng quan tâm đến mạnh đến yếu nữa rồi.

Nếu có một người thường xuyên phải khóc, đừng nói người đó đau khổ. Nỗi đau khổ thực sự phải là bạn không thể khóc nổi và nó ăn mòn con người bạn hoặc phải khóc ngược vào trong, ngăn không cho nước mắt rơi.

Các bạn ạ, biết khóc, dám khóc, được khóc là một loại hạnh phúc mà không phải ai cũng có được đâu.

Khóc cũng thay đổi được rất nhiều thứ, điều đầu tiên, cốt yếu và quan trọng, nó thay đổi tâm thế của bạn.

Vậy nên đừng nhìn khóc như điều gì đó xấu, thành thật, thoải mái, tự tin khóc hạnh phúc ngang tươi tắn cười và gấp ngàn lần việc nâng hai mép lên tạo thành một đường cong trên môi dù mình đang không ổn.