bình luận

học văn, ngôn tình và “tống biệt hành”

hôm nay, lần đầu tiên trong đầu tôi có ý niệm gì đó về những gì Thâm Tâm viết. tôi vẫn luôn không hiểu vì sao chúng tôi, những đứa trẻ chưa trưởng thành, chưa có bất kì kinh nghiệm sống nào lại phải đọc, phải học, phải hiểu những tác phẩm người ta sẽ mất cả đời để hiểu. rồi để đi thi, để tốt nghiệp, chúng tôi hiểu như những gì người khác muốn, giả vờ như mình thực sự cảm thụ mà thực ra chỉ là một mớ kiến thức được nhét vào đầu theo cung cách học vào cho nhớ, chẳng khác gì học công thức toán.

chưa từng phải đối diện với những đêm trằn trọc vì đói, làm sao hiểu được Hộ, hiểu được Chí Phèo, và chị Dậu mãi mãi sẽ là một ai đó xa lạ. tất cả các vấn đề nhân sinh đều chỉ là một khái niệm nào đó ở trong đầu, mà có khi đến nhân sinh là gì cũng không thể hiểu được. nhưng có lẽ, họ dạy chúng ta những thứ đó, cung cấp cho chúng ta những ý niệm mơ hồ đó, để vào một khoảnh khắc muốn gục ngã nào đó trong cuộc đời, chúng ta nhớ ra mình không đơn độc. có một ai đó trong suốt lịch sử đằng đẵng này chia sẻ nỗi đau của chúng ta. có lẽ khi ấy, ta sẽ tìm thấy câu trả lời mà ta cần trong con dao của Chí Phèo, trong bát cháo của Thị Nở, và trong khoảnh khắc bừng ngộ của quản ngục.

có lẽ việc học văn ở trường học chính là việc gieo vào trong lòng mỗi người một hạt giống nào đó của việc làm người, để sau này cuộc đời có thứ mà tưới tắm, và chúng ta sẽ là những con người mạnh mẽ và vững vàng trước thế gian ngay cả trong lúc kiệt quệ nhất. họ cho chúng ta một câu thơ, để sau này, ta có thứ vịn vào mà đứng dậy. còn những cách phân tích ấy, nếu học đúng, sẽ trở thành phương pháp đọc sách sau này của ta, để ta đọc sách có văn hóa hơn chứ không đọc và tâng bốc hoặc mạt sát nhau như trong các group “mọt sách” (hẳn là một cái tên có nghĩa đen chính xác tuyệt vời).

vậy nên, những người dạy văn, hãy chú ý một chút, văn không sinh ra để đi thi. với một đứa trẻ, những kì thi là dãy núi chúng cần vượt qua, chúng chỉ biết có thế, chỉ muốn chăm chắm vào để trèo lên tới đỉnh, xin hãy nói với chúng kì thi không phải mục đích của việc học văn. và muốn như thế, các vị đừng bó hẹp những kiến thức văn chương thực sự trong những lớp ôn thi nữa. lí luận văn học không phải một thứ kinh điển trong bài văn của học sinh giỏi, lí luận văn học, mĩ học, triết học, không có những thứ ấy, sẽ chẳng đứa trẻ nào biết được lý do của việc học văn để mà thực học cả. đừng nói Cao Bá Quát chỉ đi trước thời đại của ông ta, chính những người rất hiểu tác phẩm ấy cũng chưa từng rời xa bãi cát, chúng ta chỉ càng lún thêm vào nó thôi.

nhưng mà cũng không sao nhỉ, những đứa trẻ vẫn lớn được lên , vẫn đi học đi làm, kiếm tiền và cống hiến. chỉ là, có một lần, tôi được học một tiết thể dục do thầy Tặng dạy, thầy nói rằng “Không vận động, không tập thể dục, các em vẫn có thể lớn lên bình thường. Nhưng nếu các em chăm thể dục thể thao, các em sẽ lớn lên vui vẻ hơn, thế thôi.” học văn cũng thế, nếu học thì sẽ vững vàng hơn, vui vẻ hơn – vì buồn hơn. thật thiệt thòi, vì phần lớn chúng ta thiếu hương hoa hồng cho tâm hồn, để rồi chúng ta khốn đốn, quẩn quanh trong cuộc đời mà không tìm được lối ra, trong khi nếu chúng ta có một ý niệm về một Giamilia, một Nhĩ, hay một ai đó đại diện đại loại cho một điều gì đó thì tốt rồi. ôi viết đến đây thấy thế giới ác độc quá, mình may mắn quá và bất hạnh quá, để tôi quay về “tống biệt hành” cho đỡ bức bối.

mà để bắt đầu, tôi xin phép giới thiệu cho các bạn bài hát “Cha sẽ luôn ở đây” do Mao Bất Dịch thể hiện, rất hay và cảm động, là ca khúc kết thúc mỗi tập phim “Lấy danh nghĩa người nhà”, tôi rất thích. dẫn gián tiếp thế đủ rồi, tôi nói thẳng tôi tự dưng hiểu hiểu (có hai chữ hiểu, diễn tả sự mơ hồ, đến giờ tôi vẫn không biết tại sao hai chữ hiểu lại có thể biểu lộ cảm giác chưa hiểu rõ) được Thâm Tâm là do tôi xem phim ngôn tình Trung Quốc, thế đấy, chứ tôi vẫn gọi bố mỗi khi cần hỏi mẹ ở đâu, vì có hỏi bố thì bố cũng bảo hỏi mẹ.

khi nghe bài hát rất đỗi tình cảm ấy, tôi hiểu Lý Hải Triều hơn, cũng hiểu chuyện người đi và người ở hơn. tôi tự hỏi, có phải mỗi một người bố người mẹ cũng mang tâm trạng ấy mà nuôi con mình lớn lên không ? thật là vui khi con mới bé xiu xiu ngày nào bây giờ đã có thể cứng cáp như thế, nhưng cũng thật là buồn, vì mười tám hai mươi năm trôi qua như một cơn gió thoảng. con chim khi đủ lông đủ cánh, nếu không bay cao trên bầu trời rộng thì đâu có còn là con chim ? là một đứa con, nhưng cũng là một con người, phải sống, phải cống hiến, phải để lại di sản, phải làm theo sứ mệnh của một cá nhân.

Hoài bão, chí lớn, chẳng ai phủ nhận được thứ sẽ khẳng định một con người ấy, vậy nên dẫu có muốn biếng lười rúc ở nhà như mỗi sáng còn nhỏ không thể rời chăn, thì cũng vẫn phải đứng dậy và ra đi thôi, li khách đã đi theo kiểu như thế.

sẽ có dịp khác tôi nói về hình ảnh thơ của Thâm Tâm, hôm nay tôi chỉ nói về ý thôi, về sự mâu thuẫn trong lòng li khách, mà rồi sẽ được liên hệ đến Hạ Tử Thu. đương nhiên Tử Thu không hoàn toàn đi vì chí lớn, nhưng anh ta cũng xung đột về mặt tình cảm, muốn đi đến mộng lớn, nhưng cũng luyến tiếc những người ở lại. mà để đi được, thì phải ghìm sự lưu luyến ấy xuống, nên mới phải “dửng dưng”. và nếu như Lý Hải Triều và Lý Tiêm Tiêm cũng có thể coi anh ta là “hạt bụi”, là “chiếc lá bay” thì thật tốt. làm sao người ta lại nỡ ra đi khi có suy nghĩ rằng mình đang phụ bạc người mình thương, và mình đang làm cho họ nặng lòng nhỉ ? có lẽ bước chân ra đi sẽ dễ dàng hơn nếu như không có nỗi nhớ của những người ở lại làm một lực cản phải chiến thắng. nếu như những người thương yêu ấy có thể nhẹ lòng thì tốt rồi, kể cả phũ phàng coi nhẹ mình cũng được rồi, vì mình sẽ không còn trách nhiệm (do chính trái tim mình đề ra) với họ nữa. vậy nên thà rằng mẹ coi là hạt bụi, hay là đồng kẽm giữa đường đánh rơi, thế thôi là được rồi.

còn những người ở lại, có lẽ coi như thế cũng là cách tốt. Lý Tiêm Tiêm đã thực sự làm thế, đã vin vào cái cớ các anh không có cùng huyết thống với mình để vượt qua nỗi buồn bị phản bội, và phải tự mình đi con đường của mình mà không có các anh. nhưng Lý Hải Triều không thế, tôi biết ông là nhân vật rất hư cấu, nhưng tôi vẫn muốn tìm câu trả lời cho thắc mắc tại sao ông có thể giữ liên lạc vui vẻ đến thế. có lẽ Hải Triều biết rõ chia ly là câu chuyện của lẽ thường nên không hề oán trách, và nguyện đứng chờ, hay chỉ đơn giản là do Hải Triều lắm chuyện, hay cằn nhằn, hay dông dài nên có thể mãi gọi điện thoại cho các con ở xa ? tôi nghĩ điều này không phải là sai, có lẽ mọi thứ chỉ đơn giản thế thôi, còn muốn quản từng chuyện nhỏ nhặt của nhau thì vẫn sẽ có cảm giác gia đình. và chẳng phải những người thân là những người để ta nói chuyện phiếm hay sao ? rồi những người có thể bên ta thật lâu sẽ là những người có nói chuyện cái đèn giao thông hay giá điện nước cũng thấy có ý nghĩa. xàm xí, tôi tin ấy là bí quyết của tình cảm. còn Lý Tiêm Tiêm, tiếc thay, có muốn vậy cũng không được. có một đặc điểm khác của Hải Triều, ấy là ông ta không cần vật lộn với chính bầu trời của mình. tôi luôn thấy tình cảm giữa những người trẻ rất bất lợi, vì chính họ với bản thân còn mâu thuẫn, còn mệt mỏi, giữa họ với cuộc đời càng bất lực, nói gì đến những mối quan hệ con người – con người cần nhiều nỗ lực khác ? vậy nên có lẽ những thương tiếc, những tình cảm, chỉ nên nằm lại thật đẹp trong kí ức của chiếc khăn tay như cách cô em gái nhỏ đã làm. hãy để những cảm xúc đẹp thành kỉ niệm, để có thể bước đi.

quay lại với tống biệt hành một cách có tâm hơn, thực ra khoảnh khắc tôi nhớ đến bài thơ này khi xem phim là khi Hạ Tử Thu nói những năm qua chẳng làm được gì nên không dám về nhà. tôi nhớ li khách cũng như vậy, chí lớn chưa thành thì sẽ không quay trở về. có lẽ chẳng phải mất mặt, mà là cảm giác có lỗi khi không lấy được điều gì để đền đáp vào những năm tháng phải trả. và là một trang nam nhi, chẳng lẽ lại chịu quay về tổ khi chưa tung hoành được thiên hạ. ừ nhỉ, thế thì chắc là đớn hèn. đã chịu ra đi, thì nhất định phải có thành quả, chứ chẳng lẽ lại không gặt hái được gì ? con người cứ luôn đặt cho mình áp lực vì những gì mình đã bỏ ra. thôi đã đi là phải được, đã đầu tư là phải tới bến không có khoản đầu tư trước là vo nghĩa, hay đã làm anh chị em ngần ấy năm thì phải cố mà làm trọn đời, chẳng lẽ để cả tuổi thơ uổng phí ? có lẽ Lý Tiêm Tiêm sẽ rất ghét suy nghĩ này.

Chỉ có vậy thôi, tôi cũng chỉ thấy hai tác phẩm bổ trợ cho nhau thật tốt. một rất gần gũi và dễ hiểu, dễ không phải một tác phẩm nghệ thuật hay và vĩ đại, một được coi là áng thơ xuất sắc. “danh nghĩa” khiến tôi hiểu ra những phần giản dị, “tống biệt hành” bắt tôi nghĩ xa hơn. có lẽ để hiểu một tác phẩm lớn thì sẽ phải làm thế chăng ? một học sinh nhỏ bé cần tìm những bậc thang để bước lên trên mà hiểu tác phẩm đó ? và bậc thang đó là những thứ nhỏ bé đủ để hiểu ? có lẽ là vậy, nếu muốn hiểu được ngay. hãy nghe Mao Bất Dịch hát “Cha sẽ luôn ở đây” nhé, hãy đọc cả lời bài hát vì nó rất cảm động.

còn nếu không, hãy cầm theo những quyển sách giáo khoa văn khi lớn lên, và hãy mua sớm, trước khi văn được đem ra để thi trắc nghiệm.

Comments Off on học văn, ngôn tình và “tống biệt hành”