xem “lấy danh nghĩa người nhà”
Bài viết kết hợp giữa tâm sự và phân tích phim, rất dài, có tiết lộ nội dung. Nhưng đây là một phim dễ đoán, đơn giản, cái hay không nằm ở tình tiết bất ngờ, có biết trước cũng không sao. Tất nhiên sẽ không bị chán mà bỏ phim đâu, dàn diễn viên về cơ bản là đẹp.
Tôi cũng không biết tại sao trong khoảng thời gian bận rộn này, tôi lại nhấp vào bộ phim để xem. Nếu mê tín hơn, tôi sẽ nói đó là thần linh dẫn dắt tôi đến chỗ mình cần. Nhưng dạo gần đây, tôi tin vào con người nhiều hơn, tin vào chính mình nhiều hơn, tôi nghĩ rằng chính trực giác của tôi đã phán đoán thay cho lý trí cằn cỗi, nó dẫn chính nó và toàn thể đến với thứ mà tôi cần.
Tôi vẫn hay xem phim truyền hình dài tập Trung Quốc, rất thích thể loại thanh xuân vườn trường, vừa hay hai gương mặt mà tôi biết trong “danh nghĩa” (từ giờ tôi sẽ gọi tắt vậy, vì tôi nghĩ đây là một điều rất cốt lõi) lại là các diễn viên tiêu biểu của phim thanh xuân trong lòng tôi : Đàm Tùng Vận với “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta”, “Từng đóa bọt sóng”,… và Trương Tân Thành với “Xin chào ngày xưa ấy” (trùng hợp là phần tiếp của “Điều tuyệt vời nhất” kể về Dư Châu Châu là cô của Dư Hoài), “Lê hấp đường phèn” siêu hot (lại trùng hợp là về đề tài thể thao như “Bọt sóng”). Cả hai diễn viên đều có ngoại hình làm ưng mắt tôi, và cả nội dung của thể loại thanh xuân vườn trường là thứ rất làm ưng lòng tôi. Tuổi trẻ thì nên xem phim của người trẻ, vì bao giờ phim Trung Quốc cũng phải gửi gắm một cái gì trong đó, không phải là thông điệp dám nghĩ dám làm dám sống thì là sống có tình thương, trân trọng tuổi trẻ. Tuy quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy, nhưng mỗi bộ phim đều rất giỏi trong việc lan tỏa, làm người xem đồng cảm, nên với tôi, cho dù không phải thể loại nghệ thuật được đề cao, phim truyền hình Trung Quốc cũng đang làm rất tốt nhiệm vụ của nó và đáng xem nhất mỗi khi muốn xem phim không cần dùng não.
Về “Danh nghĩa”, tôi mới xem đến nửa tập hai, nhưng phải viết luôn, vì không viết tôi sẽ quên mất, và cảm xúc sẽ lạnh đi, viết không được. Khoảng thời gian trước tôi hay suy nghĩ về việc một thứ có đáng viết ra hay không, không viết thì có chết được hay không và viết ra thì mọi người có cần hay không, nhưng càng ngày tôi càng trở về với quan niệm nguyên thủy của mình : viết được ra là tốt rồi. Đó là cách để sống sâu hơn một chút với chính tôi, còn việc có ích cho người khác không, tôi biết nó chỉ hoàn toàn không có ích khi nó không được viết ra, vì biết đâu, rồi ai đó, trong hoàn cảnh đặc thù nào đó, sẽ tìm được trong những bài viết của tôi điều gì đó, như cách tôi nhìn thấy trong các bộ phim Trung Quốc mà giới chuyên môn không đề cao rất nhiều thứ vậy. Minh chứng lớn nhất cho lợi ích của việc viết đối với tôi ấy là dạo gần đây, khi bắt đầu thấy ổn thỏa với chính mình và thế giới để bắt đầu viết lại, tôi rất khó khăn trong việc viết được trọn ý mình muốn. Và sở dĩ bài này mãi cứ đi vòng vòng ở ngoại diên chứ chưa đề cập đến vấn đề chủ chốt là vì tôi cần luyện cho mình khả năng có thể kiên nhẫn với mỗi ý nghĩ mình có, nó chính là sự tử tế với chính bản thân mình. Nếu không thể dành thời gian lắng nghe và ghi ra những gì mình muốn nói, tôi cho rằng đó là khi tôi sống rất hời hợt và vội vã, xấu xa với chính mình. Tôi xin phép dành bài viết này đi loanh quanh để trả công bằng lại cho khoảng thời gian im lặng đầy bất ổn của mình.
Quay trở lại bộ phim, tôi đánh giá bộ phim này cao vì tạo lập được một tình huống vô cùng đáng yêu, giản dị mà đắt giá cùng hệ thống nhân vật, cho tới thời điểm này, là sự đầu tư xứng đáng.
Xin phép được nói một chút về lý thuyết, gần đây tôi mới đọc được một nhận định, cho rằng nghệ thuật nên nói những thứ giản dị, “Cái đẹp của thơ không nên chỉ tạo nên ánh sáng kì bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kì nhuộm hàng trăm sắc. Đẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người”. Đương nhiên nhận định có nhiều khía cạnh ý nghĩa, nhưng một trong số đó là khẳng định sự bình dị và gần gũi của nghệ thuật, và với tôi, nó đúng đắn. Vì nó sẽ là thứ ánh sáng dễ dàng soi rọi người ta nhất. Nguyễn Ngọc Tư cũng nói ta sẽ chỉ rơi nước mắt trước những điều giản dị. Con tim ta lớn lên với những điều nhỏ bé giản đơn xung quanh mà chính nó sẽ vun đắp tâm hồn ta : cái bánh quy, cốc nước mía, những căn nhà và hàng cây,… Bởi vì thế, để chạm vào tâm hồn ta một cách nhẹ nhàng nhất mà sâu sắc nhất, chẳng có gì tuyệt hơn là những điều bình dị. Và không gian của bộ phim “Danh nghĩa” chính là một thứ giản dị như thế : một tiểu khu mà với tôi rất gần gũi với những khu tập thể cũ kĩ trong lòng Hà Nội. Từng cái bàn cái ghế đem dáng dấp của những món đồ quen thuộc ở nhà bà ngoại, hay bàn làm việc của ông. Thế giới trong phim cũng là thế giới của những con người bình thường nhìn từ ngoài vào, chỉ có hơi chút đặc biệt ở số phận. So với các bộ phim lấy bối cảnh của một gia đình giàu hay siêu giàu rất cuốn hút vì sự lộng lẫy xa hoa của khung cảnh, cho người xem một trải nghiệm về sự giàu có đẹp đẽ thì bộ phim này ôm lấy chúng ta bằng khung cảnh đời thường, dung dị, mà tôi cho rằng là một cái nền rất tốt để khán giả dễ dàng đồng cảm hơn với nhân vật. Bối cảnh bình thường ấy tự nó cũng cho ta một ý nghĩa : những cơ sự phức tạp sẽ ở mọi nơi quanh ta, ở trong những con người tưởng chừng bình thường cũng sẽ có một câu chuyện nào đó, mà họ sẽ ngại kể ra, nhưng chúng ta cần thông cảm.
Đi sâu vào tiểu khu đó là những gia đình đáng yêu và đáng thương, đi kèm với đáng giận. Lý Hải Triều mở quán mì nuôi cô con gái nghịch ngợm đáng yêu là Lý Tiêm Tiêm, bị một bà cô nhiều chuyện trong xóm mai mối với Hạ Mai, một cô nhân viên có chức vụ bình thường một mình nuôi con trai Tử Thu vì ly hôn xong mới biết mình có thai. Tầng trên của nhà Lý Hải Triều là một gia đình mới chuyển tới, chồng làm cảnh sát vợ làm nội trợ có người con tên Lăng Tiêu, hai vợ chồng hay cãi nhau và đập phá đồ, đứa con phải đi ra ngoài cầu thang ngồi cho bố mẹ hành hạ lẫn nhau, dần trở nên ngoan ngoãn hiểu chuyện và khép kín. Đó là chuyện các bà cô lắm mồm trong phim sẽ biết, nhưng vì là người xem, chúng ta còn biết mẹ của Lý Tiêm Tiêm đã chết và em gái của Lăng Tiêu cũng chết rồi, đó là lý do bố mẹ cậu bé căng thẳng.
Tôi nghĩ mình nên nói về gia đình của Lăng Tiêu trước. Do mất đi đứa con út ít bé bỏng, cả nhà chìm vào trong sự quẩn quanh. Lăng Tiêu nhớ em trong vô vọng và cố gắng trở thành cậu bé ngoan để bố mẹ không bực tức, dọn dẹp chiến trường của hai người sau khi cãi nhau, chịu đựng để mẹ không thêm phiền phức. Nhưng bao giờ chữ “ngoan” cũng là một chữ rất nguy hiểm. Lăng Tiêu chịu rất nhiều sự dồn nén và uất ức không thể phát tiết ra ngoài, dần dần rơi vào trầm mặc. Đối diện với sự tan vỡ của gia đình, với những cảnh bạo lực cũng có nghĩa là cậu buộc phải lớn sớm hơn, gánh lấy một trách nhiệm lớn hơn trong gia đình mà chính hành động quét bát đĩa vỡ đã hé lộ : đỡ lấy sự tồn tại và hòa bình của cả gia đình. Sau khi đọc Đặng Hoàng Giang, tôi biết đây là bi kịch thiếu đi hơi ấm tình thương, và bị phụ huynh hóa.
Nhưng ta lại cũng không thể trách bố mẹ Lăng Tiêu như cách ta có thể quy tội cho một vai phản diện nào đó. Một người đàn bà mất con khó có thể thoát ra khỏi nỗi đau ấy, vì sự gắn kết từ khi đứa con còn chưa thành hình. Người đàn bà đó, theo quán tính, sẽ không ngừng cho mình là người khổ đau nhất thế giới, không ai hiểu được, ích kỷ cho rằng mọi người đều có lỗi, họ bình thản trong khi mình phải chịu đựng tất cả. Trần Đình do thế trút tất cả lên Lăng Hòa Bình, một người cha mất con và xoay xở với công việc mới. Tất cả đống hỗn độn ấy đều chẳng phải lỗi của ai cả. Nghĩ lại thì Trần Đình đáng thương hơn đáng trách, và Lăng Hòa Bình cũng vậy. Nhưng còn Lăng Tiêu phải lủi thủi, không có tội và đáng thương muôn phần.
Giọt nước tràn ly của gia đình họ Lăng là khi hai bà cô lắm mồm đến nói chuyện với Trần Đình. Sự sĩ diện làm Trần Đình phát điên, sự oan ức làm Lăng Hòa Bình suýt chút nữa thì gây chiến. Tình huống này khá đẹp, vì nó tiềm ẩn một lời cảnh cáo : mọi việc có thể không như mỗi chúng ta nghĩ, và thứ chúng ta tin là tốt có thể là độc ác. Nhiệt tình thì phải đúng nơi, và ta sẽ không thể là người giải cứu vũ trụ nếu không hiểu được hoàn cảnh đằng sau sự việc.
Nhưng chính hôm ấy, Lăng Tiêu may mắn vì có Lý Tiêm Tiêm và Lý Hải Triều. Đầu tiên là có tình thương yêu tỏa ra từ hai bố con, và sự che chở, nó sẽ bù đắp lại phần nào hai bi kịch mà cậu bé này có. Cảnh bữa ăn là một cảnh đáng giá, vì ngay từ đầu, ăn uống đã biểu trưng cho sự kết nối của con người, họ sẻ chia thức ăn, thứ cần thiết cho sự sống, họ sẻ chia bầu không khí ấm cúng đi liền với bữa cơm tối của gia đình. Nhưng vì đây là Lăng Tiêu, cậu bé phải tự ăn mì tôm buổi trưa, thường đói bụng vì bố mẹ bận cãi nhau, nên hơi ấm này càng đáng giá. Có lẽ cuộc đời Lăng Tiêu sẽ khác sau bữa ăn này.
Và hai bố con nhà bán mì, họ vốn dĩ cũng mất người thân, nhưng vì sao họ không chìm vào bế tắc như tầng trên ? Vì đó là hai con người vốn tràn ngập tình thương và sự chở che. Lý Tiêm Tiêm đã giải đáp khi hồn nhiên nói cả mình cả bố đều lén lút nhớ mẹ, không cho người kia biết. Đó là khi tôi nhìn thấy một tuyên ngôn rất đáng yêu : nỗi nhớ là một điều rất riêng tư, nó cần có một không gian thật riêng tư. Nỗi nhớ khi gắn với sự đau buồn lại càng phải thế, vì chỉ khi xung quanh là không khí vui vẻ thì sự đau buồn mới có thể vơi giảm. Nhưng nó cũng không thể quá riêng tư, vì như thế con người ta mất kết nối, hai bố con nhà bán mì vẫn thi thoảng chia sẻ nỗi nhớ mẹ, nhưng rất khẽ, chỉ đủ để gây dựng một mối quan hệ sâu sắc cùng hướng về một phía, chứ không dùng nỗi nhớ và nỗi đau để nhấn chìm nhau. Điều này càng khiến tôi cho rằng nhân vật Lý Hải Triều chính là người hùng mà bộ phim cố gắng xây dựng.
Đặt Lý Hải Triều cạnh Hạ Mai, anh ta là một người chất phác, cục mịch, không duyên dáng, nhưng vì Lý Hải Triều có một trái tim đầy tình thương và sự bao dung, tấm lòng nhiệt thành hồ hởi nên cuối cùng, so với Hạ Mai cố tình làm cho mình sâu sắc, Lý Hải Triều lại là người thấu đạt hơn. Không phải tự nhiên Lý Hải Triều lại bán mì và thích nấu ăn. Thích nấu ăn cho thấy đây là một con người dịu dàng, biết quan tâm, biết sẻ chia, rất muốn đùm bọc và chăm lo cho người khác. Còn bán mì vì chính Lý Hải Triều sẽ là người kết nối các nhân vật khác với nhau, bằng những bữa ăn. Lý Hải Triều là một hình tượng có phần không thực, nhưng cũng như Thị Nở rất oái oăm ở cái làng Vũ Đại, hoàn toàn hư cấu, Lý Hải Triều đại diện cho một khả năng mà con người nên chào đón : sự sẻ chia, niềm vui, nụ cười, tình yêu thương mà sau này, chính Lý Tiêm Tiêm sẽ là người tiếp nối.
Cho đến thời điểm hiện tại, bộ phim tạo ra được một thế giới rất tốt, và có lẽ vẫn sẽ tốt như thế cho đến khi hai người mẹ bỏ đi. Còn khi có sự xuất hiện của tình yêu giữa các nhân vật trẻ với nhau, ta phải xem hẵng. Và mong chờ diễn xuất của Tống Uy Long. Hôm nay viết thế này thôi nhé.
Đây là ngày 16/8/20 : Hôm nay định đăng lên nên sửa một chút. Thì về cơ bản, phần mẹ Lăng Liêu nửa tập sau đã đổi khác, bà còn được tiết lộ là có can dự phần tội lỗi trong cái chết của con, kéo đến sự bất ổn trong tâm lý. Ở đây Lý Hải Triều có một câu khá hay, đó là nỗi ăn năn sẽ ăn mòn con người ta. Còn về phía Lăng Tiêu, khoảnh khắc mẹ Lăng Tiêu bỏ đi và Lý Tiêm Tiêm cười phớ lớ vì Lăng Tiêu đã thuộc về mình hay được các khán giả cười và cảm thấy bất lực thay cho nhân vật. Song, đấy là sự may mắn muôn phần của Lăng Tiêu, vì dẫu mẹ bỏ đi, rất buồn và rất đau đớn, nhưng có Lý Tiêm Tiêm chào đón nên sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi quá nhiều.
Tất nhiên đến sau này, cả Hạ Tử Thu lẫn Lăng Tiêu đều sẽ đem thái độ oán trách và phần nào thù địch với “người nhà” thật của mình, khiến tôi phải tự hỏi mặt trái của việc có gia đình mới là gì với tâm lý của hai người, các bạn cùng trả lời nhé.