night-gown

sống như cách Toby khuấy xà phòng

Một buổi tối, thực ra chính là tối hôm qua ấy, sau những nỗ lực thực hiện tư thế chữ V ngược hoàn hảo ở lớp yoga giữa những ngày đèn đỏ, tay chân tôi như muốn đình công, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ : tắm nước nóng. Sau khi làn nước gột rửa hết tất cả bụi bặm của đường phố bám trên cơ thể, và làm cho mọi mệt mỏi tan biến khỏi tâm trí, tôi có thể duỗi thẳng chân tay mà ngủ ngon, không cố gắng làm thêm việc này việc nọ nữa. Thế nhưng khi về đến nhà, cái điện thoại rung bần bật với hơn chục cái thông báo nhấp nháy liên tục khiến tôi lại ngồi xuống và bắt não bộ làm việc. Những lời trách móc người đây người kia, những câu phàn nàn rằng làm việc thế mà được à, hay sự phê bình hãy xem lại bản thân đi dẫn đến cái giận dỗi không làm nữa, out đây khiến tôi thẫn thờ, hoá ra đây là cảm xúc của mấy thứ máy móc mỗi khi lag, đã mệt lại còn phải thực hiện một đống tác vụ, ôi thật chẳng biết đường nào mà lần, mông lung hơn cả trò đùa. Giữa sự mông lung ấy, tôi mở facebook ra làm vài đường lướt lên lướt xuống sương sương cho tan mệt, và như một món quà của thượng đế, tôi thấy bài viết của một nghệ nhân làm xà phòng, ông chủ của hiệu Toby and Bond Soap, câu chuyện của anh và xà phòng làm tôi thấy thích quá. Tôi cũng muốn được như thế, làm một công việc mà chưa cần nghĩ đến lợi nhuận, chỉ riêng việc được cống hiến cho nó thôi đã là một khoái cảm lớn hơn tất cả những sự hưởng thụ trên đời rồi. Tôi bật ra ngay ý nghĩ : một ngày, có lẽ chính là tối đó, tôi sẽ khuấy chữ mình như cách anh Toby khuấy xà phòng.

Vậy mà tôi nhầm, hôm qua tôi chẳng viết gì cả, nhưng là sáng nay, cái buổi sáng khi tôi vừa mở mắt thì nghe tiếng báo thức, nhưng mệt quá nên chỉ kịp đọc một vài dòng tin nhắn của MnC rồi bị thần ngủ kéo đi và chỉ thực sự rời khỏi chăn ấm nệm êm đã sau hơn một tiếng, khi thấy giấc ngủ đã đủ làm mình khoan khoái. Tôi chầm chậm vươn vai, chầm chậm bước vào nhà tắm, chầm chậm đánh bọt sữa rửa mặt, chầm chậm bóp kem đánh răng ra bàn chải, chầm chậm nhắm mắt lại dưới vòi hoa sen để nghĩ về một vài điều, rồi chầm chậm choàng áo bông tắm đi ra ngoài sau khi dòng nước ấm đã đủ cho tôi sức sống. Và như rất nhiều lần đắm mình trong sữa tắm mùi ô-liu khác, tôi lại muốn viết. Tôi muốn viết về trạng thái của tôi lúc ấy, chầm chậm, chầm chậm, thong thả, thong thả mà không đặt một chiếc đồng hồ vào đầu mình. Sống thế này, cũng được đúng không, ung dung như thế thôi, cả một đời như thế, không đi đâu mà vội vàng cả.

Và tôi nhớ đến một dáng vẻ mình vốn ghét, một cô gái nọ sống trong một gia đình bình thường, cô nếu có ước mơ cũng là một ước mơ bình thường, cô đi học mười hai năm bình thường với những con người bình thường, rồi lại thi vào một trường đại học bình thường gặp một chàng trai bình thường sau khi ra trường sẽ đi làm chăm chỉ ở những công ti bình thường và nếu cố gắng thì làm sếp nho nhỏ, cô lấy người ấy cùng một đám cưới bình thường, sau đó sinh ra một đứa con bình thường nhưng vì đứa con đó, cô bỏ việc ở cơ quan mà sống như một bà mẹ bình thường nấu cơm giặt giũ, con cô lớn lên cũng bình thường như bố mẹ nó đã từng, và cảm ơn họ bằng một tuổi già bình thường cho đến khi họ chết đi, cái chết cũng bình thường. Sinh lão bệnh tử cái gì cũng hết sức bình thường. Còn tôi, tôi vốn là một đứa trẻ nếu không phải người giỏi nhất thì sẽ là người hư nhất, cá biệt nhất, ở cực nào cũng được, nhưng không bao giờ là số ở giữa, phải đặc biệt, phải nổi bật nên sự bình thường đó vốn không bao giờ được tôi ngó đến chứ chưa tính đến việc suy nghĩ. Nhưng vào một đêm khi cái cách những người xung quanh ai cũng đòi hỏi năng suất tốt chất lượng cao, làm việc cố gắng ba nghìn lần khiến tôi bỗng thấy mệt, lần đầu tiên, tôi hỏi đến cái “tẻ nhạt” mà tôi coi thường.

Vẫn là cô gái bình thường tôi đã nói, tạm thời bỏ đi sự nghiệp học hành của cô ấy, vì tôi không thích nó. Chúng ta sẽ đến một phần mà tôi thấy thú vị, đủ để tôi cho rằng cuộc sống bình thường ấy có thể không tẻ nhạt. Đó là tình yêu. Bạn còn nhớ anh chàng bình thường vừa rồi không ? Thế này nhé, vì anh ấy bình thường và cô ấy cũng bình thường, hai con người trên một thế giới rộng lớn bỗng dưng gặp được nhau, nên bằng một cách nào đó của những con người bình thường, họ thấy hoà hợp, họ thấy đồng cảm, và họ có những trò đùa theo kiểu “Jinx, jinx again” vì họ bình thường mà, chẳng có đâu những cuộc trò chuyện theo kiểu chúng ta sẽ thay đổi thế gian. Rồi chàng trai sẽ tặng cô gái những thứ nhỏ xinh như cái cặp tóc hình quả dâu mà cô vô tình để lộ rằng mình thích nó, và nhờ những vần thơ hết sức vụng về của chàng trai tưởng chừng rất khô khan, cô thấy chàng trai ấy đáng yêu nhất thế gian, đặc biệt nhất trần đời. Chẳng có ai lại đi để ý đến chuyện cô ghét môn toán cao cấp đến mức sợ nó để an ủi cô, chẳng ai nhìn vào cái story vu vơ cô đăng mà biết cô thích cặp tóc quả dâu đỏ, không ai cả, mà chàng trai bình thường ấy thì có. Đương nhiên cô gái không nghĩ về chàng trai ấy với từ bình thường mà tôi đã dùng đâu, tình yêu của chàng trai ấy đã biến anh ta thành người đặc biệt nhất trên thế giới này trong mắt cô ấy mất rồi.

Và cái đám cưới bình thường mà tôi đã nói, hoá ra với cô gái lại đẹp hơn cả đám cưới thế kỉ của siêu sao Hollywood, đơn giản vì nó có cô và chàng trai đã từng viết thơ tình cho cô. Rồi vẫn như cốt truyện trên, cô gái nghỉ làm sau khi đứa con chào đời vì cô muốn dành hai mươi tư giờ mà mình có cho hai con người mình yêu nhất trần đời : con cô và bố của nó. Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, cô dậy từ rất sớm, lướt giữa danh sách và chọn một bản nhạc để khiến cho căn nhà bắt đầu có sức sống, ban đầu cô bật nho nhỏ trong căn bếp thôi, khi cô dùng cái công thức đặc biệt của mình để nấu một nồi mì gạo ăn sáng và pha cho chồng một cốc cà phê. Những công thức đặc biệt ấy, hồi trẻ cô đã từng muốn đem nó đi mở một cửa hàng nhỏ nhỏ, nhưng rồi thay đổi vì cô chỉ muốn ích kỉ dành nó cho mái ấm nhỏ của mình. Lúc sau, bản nhạc được cô tăng âm lượng lên để cả nhà nghe thấy, và cô vào lay hai chú sâu ngủ đang ôm nhau dậy, lại đẩy họ vào nhà tắm để rửa mặt trong khi mình ra bày biện bữa sáng. Đứa con từng biếng ăn khiến cô nghĩ mình không đủ tư cách làm mẹ bây giờ đang phồng đôi má phúng phính của nó để nhai miếng thịt bò một cách ngon lành khiến cô chẳng cần ăn nhiều mà cũng thấy no. Rồi cô đưa nó đến trường như bao ngày nắng khác, còn những hôm mưa, cả nhà cô chui vào cái ô tô mua trả góp, cố gắng vượt gió vượt mưa để đứa trẻ kịp chui tọt vào cổng trường mà vẫy tay chào mẹ trước khi tiếng chuông kêu lên reng reng. Rồi cô trở về nhà, thấy sàn lại có bụi rồi, và cô quét đến từng cái ngóc ngách nhỏ nhất, xong xuôi lại rút quần áo từ dây phơi xuống, là từ chiếc sơ-mi của chồng một. Mùi quần áo thơm tho nắng mới tràn ngập trong căn phòng khi nó dần trở nên mềm mại, phẳng phiu dưới bàn tay của cô, và cô thấy lòng mình cũng thơm tho và mềm mại như thế, không hẳn là vì hình ảnh người chồng không bao giờ phải chịu những lời nhận xét về trang phục thiếu tươm tất mà là vì chính giây phút này, cô đang là áo cho người mà cô chọn gắn bó cả đời, chỉ thế thôi là cô đã thấy vui rồi. Vì khi yêu, chúng ta chẳng tính toán mình phải cho đi bao nhiêu, mình có được nhận xứng đáng không, với cô, việc được chăm sóc, được hi sinh, được phục vụ là hạnh phúc lớn nhất, giống như cách cô từng vui khi đứa bạn lúc buồn tìm đến cô chứ không phải người khác.

Rồi cô cũng có thú vui riêng giữa cuộc sống ấy, những thú vui bé nhỏ mà người khác không thấy vui lắm, như nướng những mẻ bánh hay làm chocolate fondue cho cuối tuần, với cái luật rất riêng của nhà cô, để rồi khi đứa con chạm bàn tay bé nhỏ lên má bố nó và chu môi lên để hôn, cô thấy đây chính là khoảnh khắc làm nên cuộc đời mình, khiến cho tất cả người phụ nữ khác phải ghen tị với cô. Hay những lúc cô dạy con mình hát những bài hát mình từng líu lo ngày nhỏ, những lúc cô nhìn nó chơi với con mèo con chó. Và trong suốt những năm tháng tuổi thơ của con, cô luôn cùng nó kể những câu chuyện mỗi ngày, cô nói cho biết rằng hôm nay mẹ đi chợ gặp bác này bán đắt hơn hẳn ngày qua, hoặc chuyện hôm nay mẹ xem phim thấy buồn quá rồi lại nghe nó kể về bạn bàn trên sáng ra đi học khóc nhè làm nó phải lên dỗ, và thế là vào giây phút cô nghe nó kể về người nó thích, hay những áp lực của nó trong công việc, cô thực sự thấy cảm giác thành tựu, cô thấy mình như một siêu anh hùng, cô làm được điều mà phần lớn các bà mẹ thất bại bao gồm cả mẹ cô, ấy là khiến đứa con dần xa rời chính mình và để nó đơn độc những năm tháng thiếu niên nhưng lại quay ra trách nó chê mình phiền, cuộc đời cô không còn gì mãn nguyện hơn. Và mỗi lần đứa con bế cháu về nhà nhưng lại vào bếp đòi mẹ nấu canh sườn hầm ngũ quả theo đúng cái cung cách nó làm khi còn nhỏ, cô, giờ là bà, lại mặc cái chân đau mà đứng bếp.

Một cuộc đời như thế, chẳng có gì cả. Ngẫm đi, một người phụ nữ thế kỉ hai mốt không tự chủ tài chính, không biết nghĩ lớn, lại chui vào cái góc bếp với chồng con, cả đời đi phục vụ, sai không ? Có, sai ở chính cái cách nhìn ấy. Cuộc đời vừa rồi của cô gái không phải là không cố gắng, mà là cố gắng gấp vạn lần người khác. Để mệt mỏi, để áp lực, để trầm cảm chưa bao giờ là khó, để bình an mới khó. Giữa cuộc đời kia, sẽ có những lúc người chồng của cô đi tiếp khách về nồng nặc mùi rượu khiến cô bỏ sang phòng đứa con ngủ, hay những lúc mẻ bánh đã cháy khiến cô bực, tiền điện lại lên giá, rồi đứa con còn làm vỡ bình hoa, cô cũng bắt đầu mệt, nhưng đến lúc ấy, vẫn bình an thì chính là vươn lên nghịch cảnh. Đến đây tôi nhớ đến cách Hoa Thần Vũ từng hát “Con đường bình phàm”, khi mà anh như dùng tất cả sức lực để hát và như hét lên ở cuối bài, đúng như thế, để chạm đến cái bình thường và bình an khó như vậy, phải nỗ lực như vậy, phải mạnh mẽ như vậy.

Và cô đã vươn lên bằng cách nào thế ? Bằng tình yêu. Bằng tình yêu được vun đắp từ cái cặp tóc quả dâu kia, từ đôi má phúng phính nhồm nhoàm đồ ăn kia. Đơn giản vậy thôi, bởi chính những hạnh phúc nhỏ nhặt ấy làm nên một động lực mạnh mẽ hơn bất cứ ham muốn nào, nung lên một tấm lá chắn vững chãi hơn bất cứ tường thành nào, giống như cái cách các phù thuỷ trong Harry Potter đuổi giám ngục Azkaban đi không phải bằng lời nguyền giết người hay đả thương mà là nghĩ đến một kỉ niệm hạnh phúc. Chính tình yêu ấy, khiến cho một cuộc đời kia dù nhỏ bé nhưng thực chất lại mạnh mẽ, dù bình thường nhưng không tẻ nhạt. Có tình yêu, không gì là nhàm chán cả.

Vậy nên bạn ạ, đã qua rồi cái thời “Trong xã hội hiện đại hoá, chúng ta phải sống năng nổ,” hay làm người thì phải tiến lên. Mỗi số phận đều có ý nghĩa của nó, kể cả những kiếp người trông rất nhàm chán và đã đến lúc mà không có quyết định nào bị xem thường bởi đến cuối cùng, nếu việc khuấy xà phòng làm một người đàn ông sức dài vai rộng thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời anh ta có ý nghĩa, thấy anh ta chưa cần nghĩ đến lợi nhuận đã vui rồi thì chính việc khuấy xà phòng ấy mới khiến anh ta trở thành anh ta vĩ đại nhất.

Comments Off on sống như cách Toby khuấy xà phòng