
cái này gọi là ngắm cây viết blog, vô cùng mơ hồ, ghi lại suy nghĩ, không có tác dụng định hướng nhưng vẫn có thể tranh luận
Lo sợ, bất an, vội vã, tất cả vì nỗi sợ thời gian.
Rồi một ngày ta sẽ chết, ta đã ngần này tuổi – bằng tuổi Nguyễn Hiền khi đỗ Trạng, bằng tuổi Bill Gates lúc bắt đầu sự nghiệp, bằng tuổi bố khi bố mua được cái nhà này, quá cả tuổi Giang Ơi khi nhận nút vàng nút bạc, và tuổi trẻ sẽ qua đi.
Có nhớ không những ngày, nếu bảy giờ mười lăm mà vẫn cách trường một trăm mét, ta sẽ chạy bán sống bán chết để trực tuần không ghi tên. Còn lúc ấy mà mới có bảy giờ năm nhé, chấp cả trực tuần lẫn thầy Thường.
Ý thức thời gian chật hẹp bắt ta phải chạy thật nhanh, thật tích cực, nếu không thì sẽ mất hết. Nhất là khi chúng ta có một ngàn cột mốc để chạm. Hết mười hai, du học hay đại học trong nước, du học thì luyện đi, thi đi, ngoại khoá đi, nhanh lên, không có thời giờ mà chơi đâu. “Ai eo mấy chấm, thi xát chưa ?” Hết đại học, kiếm việc, ổn định, cưới, đẻ, đừng lấy chồng muộn, cuối cùng năm sau cũng có người rước. Kiểu vậy.
Có một câu mà Giang Ơi nói hay lắm “Bạn sống vội thế để chết cho đúng giờ à ?”
Thật chứ, mình có nhiều thời gian mà. Từ từ mà làm, bình tĩnh mà làm. Cứ nghĩ thế đi kể cả không phải. Thái độ cuống cuồng chỉ giỏi gây hoảng loạn, bất an, mệt mỏi, tuyệt vọng, không giỏi những việc khác.
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Thong thả như chúng em đây
Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng”
Không nhớ tại sao nó có trong trí nhớ mình, chỉ biết mình líu lưỡi cái này nhiều lắm hồi học tiểu học. Nghĩ mà xem, đúng đấy. Mỗi tội đến lúc này chúng ta sẽ ngừng thích “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã.”
Murphy bảo cái gì có thể xảy ra thì cuối cùng nó cũng sẽ xảy ra, và đâu nhất thiết chúng ta phải học đại học vào năm 18 tuổi ? Có người học sớm được thì cũng phải có người học muộn được chứ ? Cái hay của Park Saeroyi là cách anh ấy nói “bảy năm”. Cả Soo Ah và chúng ta đều thấy bảy năm quá dài, không ai lại chơi kiểu lâu la thế cả, dài quá chắc chẳng kiên trì được. Nhưng mà đó, một cái bảy năm bền vững. Không vội vàng, cuối cùng cái có thể xảy ra cũng xảy ra.
Hôm nay nằm trên giường gối đầu lên chăn bông to oành nhìn ra ngoài cửa sổ, trời rộng không mây, gió mát nhiều lạnh, Nguyên Hà hát Nhắm mắt thấy mùa hè làm cho không gian như cao lên nhiều phần và cây cối có vẻ hợp ý lắm. Mèo không thích gió thổi nên nằm sau đống chăn dày sụ và liếm láp như cách nó vẫn làm hằng ngày. Nhiều khi ta hỏi loài người có biết yêu bản thân như con mèo ngày nào cũng chăm chút từng li từng tí cho bộ lông của nó. Và liệu giống loài thông minh bậc nhất có cảm thụ được giai điệu nhiều như mấy đứa lá cành càng ngày càng mê đắm vào bản nhạc, một hai đứa khởi xướng rồi để cái rủ rê lan ra êm như con sóng, dẫn dắt đong đưa theo thể thức duyên dáng nhất mà chúng có thể – cúi về bên trái, dập dờn giống như ngàn cánh bướm vỗ, lại ngửa sang phải, dẻo hơn các vũ nữ có đôi mắt hững hờ. Từng cái rung rinh của gió vuốt ve cành lá đưa những nốt nhạc trở thành điều kì diệu và huyền ảo hơn bản thân nó vốn, lại xao động như dập dềnh bên trong lòng vậy. Bầu trời ta yêu cũng ý tứ lắm, không bồng bềnh mây kẹo bông và thướt tha mây kẹo kéo, chỉ ôn hoà trong sáng mà thôi, khéo lặng.
Thế gian như rộng mở, ta lại chẳng muốn làm gì nữa, ước cả đời nghe nhạc và ngắm cảnh. Chữ viết in ít thôi cũng được.
Không gánh nặng.
Đoạn tuyệt làm gì những thú vị của cuộc đời để bận rộn. Chúng ta đâu mất tiền mua một ngày trời mát có lá rung rinh ? Spotify thì phải mua premium mới được, nên không ai khuyên đoạn tuyệt với tiền nong vật chất cả, vả lại bụng đói thì nhạc méo mất, nên vẫn có làm đủ ăn.
Chỉ là, làm như mình cần thôi, một kẻ thích chuyển nhà nhoay nhoáy và có ý định chết thanh thản thì không thiết có một căn nhà làm gì cho mệt. Con người chỉ nên muốn cho mình, không nên muốn hộ người khác, còn không muốn nữa thì càng hay, tham sân si sinh khổ. Mỗi tội ta chưa thể rời bỏ sự tầm thường được. Xã hội vẫn cần những cái tầm thường kín đáo để phát triển. Mai ta mà đột nhiên không muốn mua váy nữa thì lấy đâu ra động lực làm tiền, rồi các ông lớn không có người để trả tiền thì biết làm sao để trở nên vĩ đại đây ? Nên nói thế thôi chứ cứ phải giữ lại ham muốn mà đưa nhân loại đi lên. Nhưng vẫn không cần vội nhé, cái gì đến sẽ đến.
Viết nhiều chữ vội, trong đầu không thể chối bỏ Xuân Diệu và cái vội đẹp đẽ của ông. Và những cái “vội” rất đáng quý khác như “không thể quản được việc chia tay hay không nên hãy yêu thật nhiều khi còn cạnh nhau.” – “làm hết mức có thể với những thứ có thể, còn không thể thì thôi đừng cố làm”. Dạo này chủ nghĩa khắc kỉ được nhắc lại rất nhiều lần. Nó thật đúng, vì cứ cố làm những thứ vốn không làm được, ví như việc cuống cuồng đến đích, sẽ khiến ta khổ.
Mệt mỏi và khổ sở chẳng có gì xa lạ, tự ta gây ra cho ta, chỉ mình ta có quyền lực này.
“Hãy nhìn khuôn mặt của Chúa trên thập giá : ông ấy chịu đựng nỗi đau thể xác nhưng không hề đau đớn về tinh thần bởi ông ấy có lòng tin. Chính vì thế, những chiếc đinh không làm ông ấy đau hơn. Ông ấy vẫn nhắc đi nhắc lại : chúng khiến ta đau nhưng không thể là một nỗi đau được.” (Còn đó có phải là “lợi ích của đức tin” hay không thì tôi chưa dám chắc mà trích nốt câu đó vào đây)
Nhưng có câu chuyện thế này, rằng cái nghèo cùng ập đến, Katie Scarlett O’Hara Hamilton Kennedy Butler chọn cách làm giàu, Melanie Hamilton Wilkes thì chọn cách làm bạn với cái nghèo. Ta không nói Melanie không có khả năng làm giàu cũng như Scarlett không được phép chọn cái nghèo vì cô có thể cố hết sức ở đây. Nên là chủ nghĩa gì thì chủ nghĩa, sự lựa chọn của bản thân và xu hướng nội tại mới nên là toà án tối cao.
Và cũng có câu chuyện là ta hoàn toàn có thể làm những thứ ta tưởng như không thể. Ví dụ như bảy giờ mười lăm mới nhìn thấy cổng trường thì sao ? Chẳng lẽ chịu ngồi sổ vì vốn dĩ mình không thể thay đổi mà ? Nhưng các bạn ạ, trèo tường, vận dụng vòng tròn xã hội đều là cách có thể. Chủ nghĩa khắc kỉ khó ở chỗ phân định đâu là cái có thể và đâu là cái không thể. Nó vốn mờ thế đấy. Nên là cẩn trọng nhé.
Đừng vội, thoải mái mà sống.