sáng tác

lệ là giọt nước mắt lau đi

Những bài báo, những người vô gia cư. Không phải hình tượng nghệ thuật, tầm thường đến không phân tích được. Họ chỉ nghèo khổ thôi. Đói nữa. Hình như nhà báo muốn nhấn mạnh rằng những người còn lại đang quá sung sướng, dù thế nào cũng quá sung sướng rồi. Đừng mong gì nữa, với những người đáy cùng này, chỉ một mái hiên thôi và trời không mưa đã là an yên và hạnh phúc.

Đớn đau vì một bài báo như này, không thể chịu đựng nổi sự kiệt cùng này hình như còn dễ hơn cảm thương với Hộ, với Chí, hình như là với cả Lê nữa.

Cảm giác đớn đau và thương xót, cảm giác nhân đạo mà ta cần phải hiểu trong các tác phẩm, có phải, chỉ tồn tại khi ta vốn có nhiều hơn, và ta ở thế cao hơn. Còn Hộ và Chí thì cao đẹp quá, không thương, và Lê thì thật là đáng yêu.

Đã là anh hùng, thì chỉ có ngưỡng mộ, trân trọng, chứ không có cảm thương.

Sau khi khóc lóc xong, Lệ quên đi nhiều thứ cần viết, và nó muốn viết. Thế giới xoay vần và những số phận, nó thì bé nhỏ và vô nghĩa. Nhỡ đâu một ngày nó bỗng nghèo kiết xác, nó cũng vô gia cư. Sự mơ mộng và đáng yêu trong tâm hồn nó, dù có tồn tại thực sự hay không, thể nào cũng không kiếm được tiền. Những người hướng đến nghệ thuật đã có đủ những tác phẩm nghệ thuật để chiêm nghiệm và khám phá, đủ hay, đủ độc đáo, đủ rộng lớn. Thêm một tâm hồn nữa cũng chỉ để ịn lên một số phần nào đó còn trống của tờ báo sẽ đem đi đốt bếp, chứ không phải để thêm một ứng cử viên tri âm – rộng lớn bao nhiêu thì hồn người cũng chỉ vậy, ai cũng khác nhau, và na ná một ai đó khác, hoặc ít nhiều ảnh hưởng từ một ai đó khác, giá có kẻ đột nhiên muốn chữ của nó làm tri kỉ, thà tìm Thạch Lam, Nguyễn Tuân, đẹp hơn nó nhiều. Và thời buổi này đọc sách cũ còn chẳng hết, chỉ có agency quảng cáo là muốn tuyển nhân viên thôi.

Có lẽ một ngày nó cũng sẽ nghèo. Sự ích kỉ vốn có của một cái tôi yếu đuối lôi bằng được sự lo lắng cho tương lai của bản thân ra, rõ mồn một hơn cả sự thương cảm hay bất lực. Chắc nhà báo hôm nay viết bài này mà già đi rồi và vẫn muốn không lãng quên những bóng hình dưới hiên nhà, thì nó sẽ được đề xuất lên báo với cái tên chị L, nhưng vì nó rất không thích sự cụt cỡn ấy, nó bảo để tên em là Lê, bỏ dấu nặng thôi, chị biết mẹ Lê không, nhà mẹ Lê cũng nghèo như nhà em, mẹ Lê chết rồi nhưng em thì không, vì thế gian nhiều mẹ Lê lắm chị, em là một đại diện. Chắc chắn nó sẽ nói câu cú mượt mà không bị một âm lờ hờ hững ngang phè chen vào giữa thì sẽ dễ gây cảm động hơn nhiều, bài báo sẽ êm ái hơn và thu hút hơn. Lệ tưởng tượng ra mặt nhà báo ngạc nhiên vì sao nó lại nói những thứ như thế, và nó sẽ ngậm ngùi hồi tưởng hồi trẻ mình có thời viết lách say mê trong khi phong kín sự mỉa mai cho cái định kiến không thể dỡ bỏ về sự kém cỏi của tầng lớp khốn khó ẩn sau sự cảm thương và xót xa. Lúc đấy trong cõi lòng vốn mệt mỏi và đầy dằn vặt của nó sẽ như một dòng suối mát dịu chảy qua, khả năng biết tỏng ấy cho nó một sự sảng khoái tựa như mình chưa bao giờ sa cơ, hẳn là công nhận cho mọi nỗ lực vạch trần da thịt con người.

Lệ nghĩ về căn phòng và những thứ mình vốn có, sự ấm no vô bờ không có phút nào cần đến sự lo âu. Nó chưa bao giờ đói. Nó chưa bao giờ lạnh. Nó chỉ có thứ bệnh-quân-tử luôn lo âu cho lương tâm có khi nào sờn rách, cho tài năng có hay không tồn tại, cho cống hiến, cho ghi nhận. Nó chỉ có thứ bệnh-no-bụng bắt đầu tự hỏi mình có đang suy sụp và trầm cảm với những ngày khóc lóc liên tiếp và cảm thấy trống rỗng. Cả thế giới mà nó cho rằng là vấn đề của nhân loại thực ra chỉ là một miền xa xôi mờ mịt nào trong viễn cảnh vô gia cư. Không có nghệ thuật nào là rẻ cả, và cái ngày nó túng thiếu ấy sẽ đánh một dấu chấm hết cho tất cả những mộng viết lách hay học thức khiến nó chìm vào những cơn suy nghĩ miên man. Này thì sự tầm thường trong mỗi con người, này thì chúng ta hãy sống với cách nhìn thế này thế kia, hóa ra như trứng chọi đá so với nỗi lo bệnh tật, đau bụng, đói, lạnh, bị miệt thị. Không biết nên cười hay nên khóc cho ngày ấy, khi có tài hay vô dụng cũng như nhau hết, khi hóa ra cuộc đời đáng ra cần kì diệu của mình cuối cùng chỉ bé bằng đúng cái dạ dày.

Không thể thế được, cái tôi của Lệ không cho điều ấy xảy ra, kể cả có nghèo và phải đi ăn xin, não bộ và trái tim của Lệ không thể chết. Lệ sẽ bán một cái bánh mì đi và mua hoa hồng. Giả sự Lệ có con, Lệ sẽ chắt bóp làm cho nó một cái thẻ thư viện, nó phải đọc sách, nó sẽ vươn lên, bi kịch của người nghèo là cứ mãi nghèo, Lệ không cần nó làm giàu cho Lệ, Lệ chỉ cần cái đứa bé ấy không như Lệ. Nó đọc, nó với Lệ sẽ là hai mẹ con người nghèo văn vẻ. Lệ và nó sẽ viết chung một cái bút, giấy thì thế nào cũng xong thôi. Lúc ấy những thứ mực mà Lệ đang viết, cái bút máy đắt tiền sẽ thành thứ gì đó điên rồ giống như trích máu ra. Nhưng Lệ nghĩ, mình đã bị cái nghèo đói đè cho thất bại, chẳng lẽ mình còn bán rẻ nốt tâm hồn và lương tri của mình.

Lệ quanh đi quần lại chỉ vướng vào cái nợ của kẻ quân tử, không thể buông bỏ trời cao biển rộng, không thể buông bỏ những thứ không có thực nằm trong trí con người – những thứ duy nhất thực.

Chỉ có điều, nó nghĩ những thứ ấy khi nước mắt chảy xuống gối mềm.

Và ý nghĩ sau đó, liệu nó có là kẻ bất tài hay không.

Comments Off on lệ là giọt nước mắt lau đi