night-gown

“đừng nói cho DT biết”

Nói về bạo lực học đường, mình không dám gọi mình là nạn nhân, vì những gì các nạn nhân khác phải hứng chịu quá kinh khủng. So với việc mình không có ai tin, không có ai quý mến, bị lăng mạ, bị sỉ nhục, bị đặt điều, bị phỉ báng, những người khác không chỉ đơn thuần là tổn hại về danh dự, nhân phẩm và niềm tin, họ còn chịu những nỗi đau về thể xác. Đừng nghĩ những nỗi đau thể xác có thể lành lại, không, vào giây phút da thịt cảm thấy đau, tất cả những ấm ức một đứa trẻ phải chịu trở nên rõ mồn một, cảm giác ấy hằn vào tâm trí, nó không mờ đi bao giờ.

Còn mình thì sao, tẩy chay và nói xấu sau lưng hay công kích trên mạng xã hội với mình là thể nhẹ nhất của bạo lực học đường, những gì mình phải chịu không là gì khi so với những đứa trẻ khác, nhưng có di chứng không ? Có, và nó in hằn vào trong tiềm thức của mình. Mình đến bây giờ rất sợ gọi ai đấy là bạn. Vào khoảnh khắc người bạn thân lúc đó của mình không đứng lên bảo vệ mình, lại hoà vào đám đông đang bịa đặt những thứ bẩn thỉu để chà đạp nhân cách của mình, mình không muốn thân thiết với ai nữa, không muốn vô tư trước mặt bất cứ ai nữa, cũng không thể tha thứ cho bất cứ lỗi lầm nào của mình, và thường xuyên dằn vặt bản thân về những khuyết điểm trong bản ngã và tính cách của mình.

May mắn là mình vẫn tiếp tục thể hiện bản thân thay vì thu mình và sợ toả sáng, bởi tư duy của mình là tư duy “phải mạnh cho chúng nó biết tay”, đến bây giờ mình vẫn ám ảnh chuyện phải trở thành người giỏi nhất, phải mạnh mẽ nhất. Cứng rắn, quyết đoán, bản lĩnh, cá tính, mình có tất cả những đặc điểm ấy, vì mình biết mình phải như thế, vì qui luật là “what doesn’t kill you makes you stronger”, và mình cũng đã giả vờ đủ lâu để trở nên như thế thật. Nhưng mình càng gần hơn với sự tự cô lập, vì mình vốn đã ngại gần người, lại luôn tỏ ra mình một mình rất tốt, nên mình dường như không có bạn, và nếu có ai xuất hiện, mình lúc nào cũng trong tình trạng sợ họ đi mất, ai cũng thế, nên kể cả khi mình mệt lắm mà ai than khổ mình cũng đến làm điểm tựa, nhiều lúc mình thấy bản thân không đứng nổi nữa.

Đấy chỉ là một phần mình đã nhận ra, mình không biết còn bao thứ mình chưa dám nhìn vào, chưa dám thừa nhận, nhưng qua việc chứng tỏ mình cũng có đau khổ, mình muốn nói rằng không quá quan trọng cấp độ của bạo lực học đường, cấp độ nào đứa trẻ cũng tổn thương thôi, và đây còn là một trong những tổn thương đầu đời, chưa có ai từng phản bội nó trước đó, chưa có ai từng đổ nước mắm lên đầu nó trước đó, chưa có ai từng lên mạng chửi nó trước đó, chưa có ai từng đổ cho nó ăn cắp trước đó, nên dù đứa trẻ ấy ở độ tuổi nào, và những thứ kia có nặng nề hay không, nó vẫn sẽ nhớ mãi mùi nước mắm trên mái tóc nó vốn tự hào, nhớ mãi từng chữ độc địa nó phải đọc, nhớ mãi những nụ cười người lớn luôn coi là hồn nhiên nhưng hoá ra lại được vẽ nên nhờ nước mắt của đứa trẻ khác. Nỗi đau đầu tiên không cần quá nghiêm trọng để trở thành vết thương mãi mãi không lành, có điều càng cay đắng, thì đứa trẻ ấy trong lúc phải chịu đựng điều đó càng thấy đen tối.

Quay lại với bài viết về mầm mống, đúng là như thế, vì không đứa trẻ nào đột nhiên đi đánh người cả, nó phải ức chế đến một mức độ nào đó thì nó mới ngu xuẩn đổ lên đầu một đứa khác, vậy nên hãy bảo vệ nó, chỉ cho nó biết đấy là sai, và dạy nó biết cách yêu thương con người nó đã làm đau. Đừng trừng phạt nó, cũng đừng cho rằng nó làm đúng và đứa trẻ kia xứng đáng điều đó. Và hãy đi tìm sự tha thứ, khó nhất, nhưng tốt nhất cho tất cả.

Bạo lực học đường sẽ không bao giờ chấm dứt nếu một đứa trẻ còn cảm thấy bất công và áp lực, đừng bảo bé con của cô chú anh chị phải làm việc này như thế việc nọ như kia nữa, cầu xin đấy.

Comments Off on “đừng nói cho DT biết”