làm thế nào để master nghị luận xã hội
Bài viết này là để dành tặng Thịt, em ruột hơi fake của mình, vì tất cả sự đáng yêu và ngu si và phiền phức của Thịt. Và vì mình yêu Thịt.
Nói thật, mình không phải master nghị luận xã hội, vì mình quá ngáo, và mình cũng chẳng giỏi giang gì. Nhưng đó chính là điều khiến mình tin rằng mình nên là người viết bài này. Nếu như mình giỏi và mình thấy nó dễ ngay từ đầu, sẽ rất khó để mình chỉ cho người vốn không biết hoặc không giỏi lắm, nhưng bởi mình đã cố gắng để làm chủ dạng bài này nên mình có cái để chia sẻ. Và bài này mình không viết cho người giỏi văn sẵn theo kiểu làm văn không cần dàn ý hay làm theo cảm hứng, vì mình không biết làm điều đó, cũng không quan tâm đến những người như thế, giỏi rồi muốn gì chẳng được, bài này chỉ để những bạn không biết làm gì thì tham khảo thôi.
Đầu tiên, yêu cầu của nghị luận xã hội. Trước hết về cấu trúc bài, nghị luận xã hội viết ba đến bốn trang là đẹp. Mình thường kết thúc ở khoảng hai phần ba trang cuối tờ giấy thi đầu tiên. Mở bài và kết bài khoảng chục dòng, giải thích mình làm khá kĩ, đến khoảng chục dòng của trang hai. Bình luận thì làm từa phứa đến khoảng hết trang ba. Sang trang bốn thì liên hệ bản thân xíu xiu rồi kết thôi. Đơn giản, đúng không ? Tiếp theo về giọng văn, mình thấy cứ đơn giản và chân thành là được, giọng văn nguyên bản của mình là thế nào thì viết thế, không cần phải cố để sắc sảo hay mềm mại, vì cố là hỏng. Thường thì viết bài này mình rất thoải mái, coi như khởi động trước khi vào câu nghị luận văn học cần phải có giọng văn phù hợp với không khí bài yêu cầu. Và mình tin bài này là để mọi người bung xoã cá tính nên không cần ngại việc giọng em hơi đụt đụt hoặc diễn đạt em hơi thô. Nhưng nếu nhất định muốn có giọng văn mà ai đọc cũng thấy thích thì tham khảo bác Đặng Hoàng Giang rất sắc sảo hoặc chị Trang XTD nhẹ nhàng mà thông minh. Cuối cùng là về nội dung, thì mình luôn yêu cầu sự giải thích rành mạch, đầy đủ, và phải thể hiện cách nhìn cũng như quan điểm của bản thân, cũng như những điều mà mình tin vào, và mặc kệ mấy cái lí do theo lẽ thường. Vì người ta đang đọc văn của bạn, chứ không phải đọc báo cáo cho lối suy nghĩ phổ biến. Đó, nhìn chung thì là như vậy.
Thứ hai, mình sẽ đi vào bước đầu tiên, xác định vấn đề cần bàn luận. Với mình, đây luôn là bước khó nhất, tốn công nhất, nhưng nó vui, và nó sẽ đem lại cho các bạn cái khoái cảm của việc giải thành công một bài tập nào đó, như giải toán vậy. Mình làm bước này như thế nào ? Với các câu nói, mình coi đây là cái khó hơn, vì nó hẹp, nghĩa là số lượng đáp án có thể chấp nhận được không nhiều, và ai cũng có khả năng nhìn một câu nói theo hướng khác, dễ trật. Đó chính là lí do vì sao mình trình bày phần giải thích rất kĩ, mình muốn người chấm biết rằng mình có cơ sở cho phần giải thích của mình, kể cả mình hiểu sai thì nó vẫn là những tư duy hợp lí. Thì bước một, mình sẽ xem xét các ý nghĩa của các từ khoá, để xem nó nói đến vấn đề gì, hiện tượng gì, hoặc ẩn dụ cho cái gì. Với mình càng hình ảnh càng dễ, chính những câu danh ngôn thật rõ ràng lại khó, mà điển hình là “Thất bại là mẹ thành công.”, nó rõ đến nỗi bạn chẳng biết phải làm gì với phần giải thích. Thì mình sẽ nói thất bại là gì, thành công là gì, và, bước hai, quan trọng, là xem xét mối quan hệ giữa các từ khoá hay các vế câu. Như ở câu trên thì nó là “là mẹ”, và nhiệm vụ của ta là lí giải xem mối quan hệ ấy có nghĩa là gì. Bước ba, để viết câu chốt cho phần giải thích, mình sẽ xem câu đó thuộc dạng câu gì, khẳng định, lời khuyên, câu hỏi,… để có được cái chốt tổng quan. Và khi các bạn làm hết các bước, các bạn sẽ được một đoạn văn theo mẫu “Trong câu nói trên, A mang ý nghĩa x. Còn B có nghĩa là y. Ta có thể thấy giữa A với B là mối quan hệ z. Qua đó, câu nói là *dạng câu t* về vấn đề u.” Đương nhiên sự sáng tạo là cần thiết và ta sẽ không khô khan như thế, nhưng trong phòng thi rất rối, và mình tin cần có một sự mạch lạc nào đó trong cách nghĩ để mình vin vào khi luống cuống, và trong trường hợp tệ nhất, mình mệt mỏi và không có cảm hứng, mình còn một cách để viết.
Thứ ba, về bàn luận, đây là phần mình làm như chơi, nhưng mình vẫn có khung cho nó, vì văn chấm theo thang điểm, và muốn điểm cao thì ta sẽ làm cho hết ý một cách hết ý. Bước một, câu luận điểm, mình luôn tống câu luận điểm lên đầu, để người chấm có thể biết mình đang làm gì và tiếp theo mình định làm gì. Mình coi đây là một dịch vụ đi kèm bài viết của mình, mình giúp người đọc đỡ phải hỏi xem ý mình muốn gì. Thì câu luận điểm của mình luôn có từ khoá cần bàn luận và một chút quan điểm của mình. Bước hai, mình giải thích lí do vì sao mình lại nhận định như thế ở luận điểm. Phần này mình triệt để thể hiện cái tôi, mình nói những gì mình muốn nói, và luôn lí giải dựa trên hệ thống giá trị của chính mình. Bước ba, mình trình bày xem làm thế nào mà mọi thứ lại hoạt động theo cách mình tin, nó giống như mình biện hộ cho các lí do của mình, để chứng minh niềm tin rất cá nhân, mang đậm cách nhìn của mình lại đúng. Bước bốn, mình nói xem thế thì sao, nghĩa là nói ảnh hưởng của vấn đề trong bối cảnh xã hội thực tại. Bước năm, khoe mẽ một chút kiến thức về ví dụ theo kiểu ông này cũng từng nói thế, hay có câu chuyện đã xảy ra như thế. Bước năm có thể được làm chung với bất cứ công đoạn nào bên trên, nhưng hãy có nó, vì bạn đang cho bài viết của mình một sức nặng. Người ta sẽ không nghe bạn chém gió đơn thuần dù nó rất có lí, nhưng khi bạn đặt nhẹ nhàng một người có cách nhìn tương đồng và thành công, hoặc trái ngược và thất bại, hoặc có sự liên quan để phân tích so sánh, bài của bạn đáng để đọc hơn nhiều. Vì bạn chẳng là ai mà người ta phải nghe, nhưng những người có tầm ảnh hưởng thì đáng để người khác quan tâm. Bước sáu, kết luận nhẹ nhàng, mở rộng sương sương, thi thoảng mình bỏ nếu mình không muốn.
Thứ ba, phản đề. Thực ra mình không thích phản đề từ đầu, vì mình rất cực đoan. Bản thân mình có niềm tin mãnh liệt vào cái này hoặc cái kia, nên chơi theo kiểu nước đôi như phản đề mình thấy nó chẳng mạnh mẽ gì cả, mà mình cần ấn tượng, riêng với bài mình, nó có thể không hay, không đúng, nhưng không thể không độc đáo và đáng nhớ. Vậy nên mình làm gì, mình sẽ nói đến sự cực đoan, và nói đến cái phản đề, là cái mà nếu vấn đề là A thì nó sẽ là A’, tưởng thế mà lại không thế sâu trong bản chất. Và mình sẽ phân tích nó, phân tích các nguyên do dẫn đến sự cực đoan, tác hại, và cái lợi, và ngược lại, rồi so sánh hai thứ đó.
Thứ tư, liên hệ bản thân. Đây, việc mình phản đề và so sánh như trên sẽ tạo tiền đề cho sự liên hệ mà mình nghĩ là có ý nghĩa. Mình sẽ trình bày lí do vì sao trong cuộc đời mình thì mình sẽ chọn giá trị này thay cho giá trị kia, rằng mình sẵn sàng đánh đổi điều gì, hoặc mình đã ngu thế nào. Cơ bản là phần này mình thét lên tiếng thét của một đứa trẻ nông nổi.
Thứ năm, chia sẻ một số thứ nhẹ nhàng. Mình xếp bài này vào cả hai category là làm người và làm nghệ. Vì mình tin viết nghị luận xã hội là một nghệ thuật, nó cũng là phản ánh đời sống thông qua lăng kính của người viết, cũng là thể hiện cái tôi. Đồng thời mình tin nghị luận xã hội là một cách học làm người. Có những thứ bạn sẽ vỡ ra trong quá trình viết, vì nó bắt bạn phải mổ xẻ vấn đề, và tự nhìn lại mình nữa. Và để biến quá trình làm nghị luận xã hội như một sự hưởng thụ thì hãy đọc nhiều (như thường lệ), mình thì thích Aesop, mình hay lấy dẫn chứng trong đó.
Mình nhớ mình muốn viết thêm điều gì đó, nhưng mình quên mất rồi, nên mình sẽ dừng lại tại đây. Mình đoán mình sẽ bổ sung hoặc không, nhưng mình nghĩ mọi người cứ nhớ những điều này trước, còn làm được luôn hay không thì đừng gánh nặng, vì phải quen tay cơ. Và nó khá tốn thời gian để làm nếu muốn làm hết, nhưng không sao, cứ thử đi, mình tin nó là quá trình thú vị.